Họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý IV, năm 2021 và Chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2016-2020
Sáng ngày 06/01/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức Họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý IV, năm 2021 và Chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2016-2020 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến chủ trì buổi họp báo. Tham dự Họp báo có đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị liên quan trực thuộc TCTK; đại diện một số Bộ, ngành; các cơ quan truyền thông tại Hà Nội. Họp báo được kết nối trực tuyến với một số điểm cầu Cục Thống kê trực thuộc trung ương.
Tại cuộc họp báo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cho biết, năm 2021 cùng với chính sách thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch để khôi phục kinh tế, thị trường lao động quý IV bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý IV năm 2021 tăng so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, diễn biến phức tạp và kéo dài của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã khiến tình hình lao động việc làm năm 2021 gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2020, lực lượng lao động, số người có việc làm giảm; tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp tăng so với năm 2020. Với những thông tin cụ thể TCTK đã có những tổng hợp, đánh giá cụ thể về tình hình lao động việc làm quý IV, năm 2021 và Báo cáo Chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Tại buổi họp báo các đại biểu cũng đã được lắng nghe báo cáo về Tình hình lao động việc làm quý IV, năm 2021 và Báo cáo Chỉ số phát triển con người (HDI) giai đoạn 2016-2020.
Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến phát biểu tại Họp báo
Theo báo cáo lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý IV năm 2021 là 50,7 triệu người, tăng khoảng 1,7 triệu người so với quý trước và giảm 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV năm 2021 là 67,7%, tăng 2,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV năm 2021 là 49,1 triệu người, tăng 1,82 triệu người so với quý trước và giảm 1,79 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý IV năm 2021 là 5,3 triệu đồng, tăng 139 nghìn đồng so với quý trước và giảm 624 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2020. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2021 là hơn 1,6 triệu người, giảm 113,1 nghìn người so với quý trước và tăng 369,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020.
Cả năm 2021 lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 50,5 triệu người, giảm 791,6 nghìn người so với năm trước. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người, chiếm 36,8%; lực lượng lao động nữ đạt 23,5 triệu người, chiếm 46,5% lực lượng lao động của cả nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2021 là 67,7%, giảm 1,9 điểm phần trăm so với năm 2020. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2021 là 49,0 triệu người, giảm 1,0 triệu người so với năm 2020.
Năm 2021, có hơn 1,4 triệu người thiếu việc làm trong độ tuổi, tăng 370,8 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,10%, tăng 0,71 điểm phần trăm so với năm trước. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 203,7 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54 điểm phần trăm so với năm trước. Mặc dù Chính phủ đã có các chính sách chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng chống Covid-19, vừa thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế xã hội nhưng tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó khu vực thành thị vượt mốc 4%.
Báo cáo Chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2016-2020 cho biết, đây là kết quả của sự phối hợp giữa TCTK với các Bộ, ngành, địa phương và sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Trên cơ sở phương pháp tính Chỉ số phát triển con người (HDI) đang được các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế thống nhất áp dụng, Báo cáo đã thu thập thông tin đầu vào để biên soạn các chỉ tiêu tổng hợp HDI của cả nước và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương những năm 2016 – 2020.
Theo đó, Báo cáo đã cho thấy một số điểm chính: (1) Trong giai đoạn 2016-2020, HDI của cả nước và hầu hết 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tăng qua các năm. HDI của cả nước tăng từ 0,682 năm 2016 lên 0,687 năm 2017; 0,693 năm 2018; 0,703 năm 2019 và 0,706 năm 2020. (2) Với mức độ đóng góp khác nhau, tăng trưởng HDI giai đoạn 2016-2020 của cả nước và 63 địa phương có sự đóng góp của cả 3 Chỉ số thành phần do các Chỉ số này cũng đạt được mức tăng và tốc độ tăng. (3) Năm 2020, tuy không địa phương nào có HDI được xếp vào Nhóm 1, là nhóm đạt mức rất cao; nhưng cũng không địa phương thuộc Nhóm 4, là Nhóm thấp nhất theo tiêu chuẩn phân chia nhóm của UNDP. Đáng chú ý là, Nhóm đạt mức cao đã tăng từ 13 địa phương năm 2016 lên 14 địa phương năm 2017; 18 địa phương năm 2018; 21 địa phương năm 2019 và 24 địa phương năm 2020. (4) Nhiều địa phương có HDI thấp nhưng đạt tốc độ tăng nhanh hơn địa phương có HDI cao, khoảng cách chênh lệch HDI giữa các địa phương thu hẹp dần.
Cũng tại buổi Họp báo, đại diện TCTK đã dành thời gian giải đáp thỏa đáng các câu hỏi của phóng viên và đại biểu về những vấn đề liên quan đến lao động việc làm quý IV, năm 2021 và Chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Toàn cảnh buổi Họp báo
Khương Duy