Dự án Chính sách và Kế hoạch thân thiện với trẻ em giai đoạn 2023 – 2026 do UNICEF tài trợ
Sáng ngày 20/6/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã tổ chức họp triển khai Dự án Chính sách và Kế hoạch thân thiện với trẻ em giai đoạn 2023 – 2026 do UNICEF tài trợ. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Nguyễn Thanh Dương và Trưởng phòng Chính sách xã hội UNICEF bà Anjanette Saguisag đồng chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT); đại diện Ủy ban Dân tộc; các thành viên Ban QLDA và một số vụ liên quan của Cơ quan TCTK.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Dương cho biết, ngày 22/2/2023, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã ban hành Quyết định số 171/QĐ-BKHĐT về việc phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chính sách và Kế hoạch thân thiện với trẻ em giai đoạn 2023-2026”; Tiếp đến, ngày 9/6/2023, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT ban hành Quyết định số 1050/QĐ-BKHĐT về việc thành lập Ban Quản lý dự án “Chính sách và Kế hoạch thân thiện với trẻ em giai đoạn 2023-2026”. Việc ban hành các quyết định phê duyệt Dự án đã thể hiện nỗ lực của Bộ KH&ĐT nói chung và TCTK nói riêng cùng UNICEF trong việc đẩy mạnh đầu tư vào cơ chế cung cấp bằng chứng dựa trên số liệu cập nhật và có chất lượng để thúc đẩy tiến trình hoạch định chính sách, lập kế hoạch và ngân sách dựa trên quyền trẻ em và các vấn đề công bằng.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Dương và Trưởng phòng Chính sách xã hội UNICEF bà Anjanette Saguisag đồng chủ trì cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, bà Anjanette Saguisag – Trưởng phòng Chính sách xã hội của UNICEF, đánh giá cao công tác thực hiện triển khai các hoạt động bước đầu của TCTK; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan bộ, ngành, các đơn vị với TCTK trong triển khai thực hiện Dự án. Mục tiêu chính của cuộc họp là rà soát kế hoạch hoạt động Dự án trong thời gian tới và hoàn thiện các hoạt động cũng như tìm ra giải pháp thực hiện kế hoạch hoạt động của Dự án.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ TCTK Phan Thị Ngọc đọc Quyết định thành lập Ban Quản lý dự án
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ TCTK Phan Thị Ngọc đọc Quyết định của Bộ trưởng Bộ KHĐT ban hành việc thành lập Ban Quản lý dự án (QLDA) “Chính sách và Kế hoạch thân thiện với trẻ em giai đoạn 2023-2026” sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức do UNICEF tài trợ không hoàn lại. Thay mặt Ban QLDA, Vụ Trưởng Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường Phạm Thị Quỳnh Lợi và thành viên Ban QLDA giới thiệu Văn kiện, Kế hoạch năm 2023-2024 và các nội dung cần thảo luận và xin ý kiến để triển khai Dự án.
Vụ Trưởng Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường Phạm Thị Quỳnh Lợi giới thiệu Văn kiện Dự án
Mục tiêu tổng quát của Dự án đến năm 2026, năng lực xây dựng thể chế của Bộ KH&ĐT, Ủy ban Dân tộc được nâng cao trong công tác hoạch định và thực thi các chính sách dựa trên bằng chứng nhằm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là trong công tác lập kế hoạch, huy động nguồn lực, thực hiện và giám sát kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, các mục tiêu phát triển bền vững SDGs và các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Về mục tiêu cụ thể: (1) Bằng chứng và dữ liệu có chất lượng về các lĩnh vực liên quan đến trẻ em được xây dựng một cách có hệ thống và định kỳ công bố, bao gồm tình trạng nghèo đa chiều ở trẻ em, trẻ em khuyết tật, trẻ em dễ bị tổn thương có liên quan đến thiên tai, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường; (2) Các chính sách, kế hoạch (bao gồm các Chương trình mục tiêu quốc gia, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030) và ngân sách được thúc đẩy thực hiện theo hướng tập trung vào trẻ em ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương; (3) Các vấn đề về trẻ em trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được theo dõi và định kỳ báo cáo.
Kết quả dự kiến của Dự án: (1) Số liệu cập nhật về trẻ em được thu thập qua cuộc Điều tra MICS (hoặc MICS Plus); (2) Số liệu và bằng chứng về nghèo đa chiều trẻ em được cập nhật và phổ biến; (3) Một số chỉ tiêu liên quan đến trẻ em được thu thập ở cấp quốc gia và cấp địa phương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Điều tra thống kê quốc gia; (4) Nghiên cứu được thực hiện nhằm cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch và ngân sách các Chương trình mục tiêu quốc gia thân thiện với trẻ em; (5) Nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương của trẻ em do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và mối liên hệ với bảo trợ xã hội; (6) Ít nhất 02 sự kiện vận động chính sách được tổ chức nhằm đảm bảo các ưu tiên của trẻ em được đưa vào các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và hoạch định chính sách liên quan đến khí hậu; (7) Dự thảo tài liệu hướng dẫn về huy động và phân bổ nguồn lực để thực hiện Chương trình quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; (8) Nghiên cứu đánh giá tiến độ thực hiện mục tiêu SDG liên quan đến trẻ em đến năm 2025 và 2030; (9) Đóng góp xây dựng Báo cáo tự nguyện Quốc gia SDG (VNR) – chuyên mục trẻ em; (10) Tập huấn nâng cao năng lực về giám sát và đánh giá cho 05 tỉnh hoặc Bộ/Ngành được lựa chọn.
Đối tượng thụ hưởng của Dự án gồm: Đối tượng thụ hưởng trực tiếp là cán bộ, công chức đến từ các cơ quan Bộ KH&ĐT, Ủy ban Dân tộc, Sở KH&ĐT, Ban Dân tộc và Hội Liên hiệp phụ nữ cấp tỉnh, đặc biệt tại các tỉnh thuộc Chương trình quốc gia hợp tác Việt Nam-UNICEF (Điện Biên, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Gia Lai), các địa phương khác và các bộ, ngành và cơ quan liên quan; Đối tượng thụ hưởng gián tiếp là trẻ em Việt Nam, đặc biệt những nhóm dễ bị tổn thương nhất như: Trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số …
Chủ Dự án là TCTK, các cơ quan tham gia thực hiện gồm: Vụ Khoa học, Giáo dục; Tài nguyên và Môi trường, Vụ Tài chính tiền tệ (phối hợp với Ủy ban dân tộc), Vụ Kinh tế nông nghiệp, Vụ Kinh tế đối ngoại – Bộ KH&ĐT. Dự án được thực hiện tại cấp trung ương và các tỉnh thuộc Chương trình Quốc gia hợp tác Việt Nam-UNICEF (Điện Biên, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Gia Lai).
Toàn cảnh cuộc họp
Kế hoạch hành động dự kiến hai năm đầu tiên của Dự án 2023-2024: Bằng chứng và số liệu về nghèo đa chiều, trẻ em khuyết tật và tính dễ bị tổn thương của trẻ em liên quan đến thiên tai, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường được tạo dựng thông qua hệ thống báo cáo hành chính và khảo sát dân số (bao gồm cả việc sử dụng các công cụ sáng tạo) với hoạt động cụ thể như: Chuẩn bị điều tra MICS (có thể bao gồm MICS Plus). Tiến hành nghiên cứu MDCP; Hỗ trợ để có cơ chế chính thức thu thập dữ liệu và bằng chứng về các chỉ số liên quan đến trẻ em ở cấp quốc gia và cấp địa phương và được cụ thể hóa vào các hoạt động như: Xây dựng cơ sở dữ liệu cấp tỉnh về tình trạng dễ bị tổn thương ở trẻ em; Hỗ trợ kỹ thuật Điều tra Quốc gia về Người khuyết tật (Báo cáo). Nghiên cứu, xây dựng giải pháp chính sách chi tiết quy định về công tác lập kế hoạch thực hiện 03 CTMTQG theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP. Triển khai hướng dẫn về kỹ năng lập kế hoạch thực hiện 03 CTMTQG cho các cấp cơ sở. Nghiên cứu về lập kế hoạch và ngân sách CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Xây dựng và triển khai hướng dẫn về lập kế hoạch và ngân sách CTMTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Nghiên cứu và khảo sát để phục vụ cho việc xây dựng các chính sách, kế hoạch và ngân sách tập trung vào trẻ em trong mối liên kết với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường được thực hiện ở cả cấp trung ương và địa phương; Nâng cao năng lực và truyền thông về các nội dung liên quan đến SDGs, tăng trưởng xanh, thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu, các mục tiêu/chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội thông qua các diễn đàn, sự kiện truyền thông để thúc đẩy sự tham gia của trẻ em và thanh thiếu niên nhằm giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu; đồng thời tăng cường tham khảo ý kiến và sự tham gia của trẻ em, thanh thiếu niên trong quá trình hoạch định và triển khai các chính sách kinh tế-xã hội; Tăng cường xây dựng chính sách, kế hoạch và nguồn lực hỗ trợ nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Theo dõi và báo cáo các mục tiêu phát triển bền vững tập trung cho trẻ em, trong đó thực hiện đánh giá về các mục tiêu SDG liên quan đến trẻ em. Biên soạn báo cáo giám sát SDG tập trung vào trẻ em; Nâng cao năng lực đánh giá của quốc gia về quản lý nguồn đầu tư chương trình Dự án liên quan đến trẻ em; Tổ chức các cuộc họp và hội thảo theo quý và năm để lập kế hoạch và đánh giá việc thực hiện Dự án.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung xin ý kiến. Theo đó, các đại biểu quan tâm tới công tác đảm bảo thời gian thực hiện dự án khi đưa ra những khó khăn có thể gặp phải và đề xuất những giải pháp để Ban QLDA cân nhắc lựa chọn phương án phù hợp. Các đại biểu đều nhất trí cho rằng, cần có khóa đào tạo lại cho các thành viên ban QLDA vì quy định hiện hành đã có sự thay đổi nhiều so với thời gian trước đây.
Kết luận và chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Dương đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu và các bên liên quan; yêu cầu Ban QLDA cần tiếp tục tích cực chủ động trao đổi với các bên để đẩy nhanh tiến độ…