Mỹ – nền kinh tế đầu tàu thế giới – vừa quyết định tăng lãi suất mạnh nhất trong hai thập kỷ

Câu hỏi: Thưa ông, Mỹ – nền kinh tế đầu tàu thế giới – vừa quyết định tăng lãi suất mạnh nhất trong hai thập kỷ. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam và có còn dư địa thực hiện chính sách vĩ mô nới lỏng để phục hồi và phát triển kinh tế? (Nguồn: https://www.vietnamplus.vn)

Trả lời:

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm

Đầu tháng 5/2022, Ủy ban thị trường mở Liên bang Mỹ đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản lên biên độ mới từ 0,75% đến 1%. Quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 0,5% đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2020.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra thông tin họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong năm nay để kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, Fed sẽ thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán khoảng 427,5 tỷ USD trong nửa cuối năm 2022. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ tác động đến kinh tế nước ta ở các nội dung. Đó là mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, làm giảm tổng cầu hàng hóa và dịch vụ thế giới vì thế giảm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Tiếp đến, Fed tăng lãi suất khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác; trong đó, có đồng Việt Nam (VND), gây áp lực tăng tỷ giá và lãi suất của VND. Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD dự báo tăng không nhiều do dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức khá cao, đủ khả năng chống chịu các cú sốc bên ngoài để ổn định tỷ giá; nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối, thực hiện giải ngân vốn FDI dự báo vẫn tăng ổn định, cán cân thương mại cả năm dự báo thặng dư; Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường.

Ngoài ra, Mỹ tăng lãi suất khiến giá trị đồng USD, tỷ giá VND/USD và lãi suất trong nước tăng khiến nghĩa vụ trả nợ nước ngoài tăng, điều này tác động tới các doanh nghiệp FDI nhiều hơn so với nợ nước ngoài của Chính phủ. Tuy nhiên, với sự điều hành tỷ giá linh hoạt, giữ ổn định của Ngân hàng Nhà nước sẽ không gây xáo trộn và ảnh hưởng đến thị trường tiện tệ trong nước.

Đồng thời, khi Fed tăng lãi suất, các nhà đầu tư lo ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao. Điều này tác động đến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài. Dẫu vậy, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn do hệ thống chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, dự báo tăng trưởng kinh tế đạt trên 6% trong năm 2022 và 2023.

Theo số liệu thống kê 4 tháng đầu năm, khối ngoại chỉ bán ròng gần 2,5 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 110 triệu USD. Vì vậy, dự báo các nhà đầu tư ngoại nếu có rút vốn cũng sẽ không nhiều đối với thị trường Việt Nam.

Trước 4 nhóm tác động của việc Fed tăng lãi suất ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, với sự điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá sẽ góp phần kiềm chế lạm phát, nhất là chúng ta vẫn còn dư địa thực hiện chính sách vĩ mô nới lỏng để phục hồi và phát triển kinh tế.