Nghèo đói trong đại dịch: Nghiên cứu của UNECE xem xét cách các quốc gia theo dõi tác động của COVID-19
Một tài liệu mới nhằm sửa đổi các cuộc khảo sát hộ gia đình để phù hợp với tình hình của đại dịch, cho thấy các nhà sản xuất thống kê ở các nước trong khu vực UNECE đã tiến nhanh trong việc đo lường tác động của đại dịch đối với các hộ gia đình và điều chỉnh việc thu thập dữ liệu với tình trạng khủng hoảng; nhưng họ cần được hỗ trợ để tiếp tục cải thiện.
Đại dịch COVID-19 đang có những ảnh hưởng sâu sắc đến nghèo đói – làm tăng số người nghèo hoặc có nguy cơ nghèo đói và gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Để đưa ra các chính sách có hiệu quả, Chính phủ cần biết họ đang phải đối phó với những điều gì. Có bao nhiêu người đang trải qua cảnh nghèo đói? Họ là ai? Ai mới trở nên dễ bị tổn thương? Những câu hỏi này luôn khó trả lời và thậm chí còn hơn thế vì những hạn chế ngăn cản sự tiếp xúc trực tiếp giữa những người bị ảnh hưởng và những người thu thập dữ liệu.
Tài liệu báo cáo về kết quả khảo sát 25 cơ quan thống kê quốc gia của các quốc gia tham gia hoạt động đo lường nghèo đói của Hội nghị các nhà thống kê châu Âu của UNECE. Cuộc khảo sát tìm hiểu cách các quốc gia đã điều chỉnh các phương pháp thu thập dữ liệu thông thường của họ về nghèo đói – thường được thu thập thông qua khảo sát hộ gia đình, thường có thể liên quan đến việc người phỏng vấn vào nhà trực tiếp thực hiện khảo sát với thời gian dài.
Hầu hết các quốc gia tham gia khảo sát cho biết đã chuyển sang phương pháp khảo sát từ xa (có thể là trực tuyến), trong khi một số nhỏ đã hủy bỏ hoặc hoãn việc thu thập dữ liệu liên quan đến nghèo đói. Tất nhiên, khảo sát trực tuyến không phải là không có vấn đề vì nó liên quan đến các kỹ năng, kỹ thuật của những người trả lời khảo sát, điều đó có thể cản trở việc hoàn thành chính xác các cuộc khảo sát và 43% số người trả lời khảo sát cho rằng điều này là trở ngại cho việc thu thập dữ liệu. Trong khi đó, 19% cho biết một trong những khó khăn khác là thiếu thiết bị kỹ thuật, và các vấn đề liên quan đến kết nối Internet hoặc điện thoại và hạn chế của thiết bị của cơ quan thống kê.
Khoảng một nửa số quốc gia được khảo sát đã thay đổi bảng hỏi hiện tại hoặc phát triển các câu hỏi hoặc mô-đun mới để nắm bắt tác động của đại dịch đối với hộ gia đình và cá nhân. 7 quốc gia trong nghiên cứu (Áo, Canada, Israel, Cộng hòa Moldova, Slovakia, Mỹ và Anh) đã phát triển và thực hiện các cuộc khảo sát chuyên đề theo yêu cầu của Chính phủ các nước để làm sáng tỏ những tác động của đại dịch về nghèo đói và dễ bị tổn thương. Trong khi một số quốc gia đã điều chỉnh cách tiếp cận của họ để đảm bảo bao phủ tốt các nhóm đặc biệt có khả năng bị ảnh hưởng bởi tác động nghèo đói của đại dịch, chẳng hạn như người khuyết tật hay doanh nghiệp nhỏ/ siêu nhỏ, kết quả cuộc khảo sát cho thấy một số khoảng cách đáng chú ý. Tương đối ít quốc gia có mục tiêu hành động để xem xét tác động đối với nhân viên y tế, người hưu trí hoặc lao động phi chính thức.
Hoàn cảnh thay đổi nhanh chóng mà người dân ở mọi quốc gia phải đối mặt trong đại dịch có nghĩa là mức độ và sự phân bố nghèo đói giữa các nhóm dân cư cũng có thể thay đổi nhanh chóng. Đối với một số người, điều này đã thúc đẩy các thay đổi đối với phương pháp của họ – chẳng hạn như thực hiện các cuộc khảo sát ngắn hơn, đơn giản hơn có thể được xử lý nhanh chóng, như đã được thực hiện ở Luxembourg và Mexico – để dữ liệu có thể được thu thập và công bố nhanh hơn, rút ngắn thời gian giữa các vòng khảo sát.
Mặc dù những thích ứng nhanh chóng này chứng minh sự linh hoạt và quyết tâm của các cơ quan thống kê trong việc tiếp tục cung cấp thông tin quan trọng này, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Như tài liệu này đưa ra, các cơ quan thống kê trên toàn khu vực đang kêu gọi tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ phát triển năng lực để xây dựng kỹ năng thu thập và xử lý dữ liệu từ xa, đào tạo trực tuyến cho nhân viên thống kê và sử dụng các nguồn dữ liệu mới.
Lan Phương (dịch)
Nguồn: https://unece.org/general-unece/news/poverty-pandemic-unece-study-examines-how-countries-track-covid-19-impacts