Nghiên cứu cho thấy: Chế độ dinh dưỡng kém ở trẻ em gây ra khoảng cách 20 cm chiều cao giữa các quốc gia

Một nghiên cứu mới do Đại học Hoàng Gia London (Imperial College London) dẫn đầu và được công bố trên tạp chí The Lancet, đã đánh giá chiều cao và cân nặng của trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học trên toàn thế giới.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ 65 triệu trẻ em từ 5 – 19 tuổi ở 193 quốc gia, kết quả nghiên cứu cho thấy chiều cao và cân nặng của trẻ em trong độ tuổi đi học – những chỉ số về sức khỏe và chất lượng chế độ ăn là rất khác nhau trên khắp thế giới.

Chiều cao của thanh niên 19 tuổi có sự chênh lệch ở các quốc gia cao nhất và thấp nhất lên đến 20 cm – điều này thể hiện khoảng cách về sự tăng trưởng 8 năm đối với bé gái và 6 năm đối với bé trai. Ví dụ, nghiên cứu chỉ ra rằng trung bình một cô gái 19 tuổi ở Bangladesh và Guatemala (những quốc gia chiều cao của nữ sinh thấp nhất thế giới) có chiều cao tương đương với một nữ sinh 11 tuổi trung bình ở Hà Lan (quốc gia có chiều cao cao nhất).

Nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng dinh dưỡng ở trẻ em có nhiều thay đổi, đặc biệt là thiếu thức ăn chất lượng, có thể dẫn đến tăng trưởng thấp còi và gia tăng béo phì ở trẻ em, do đó ảnh hưởng đến sức khỏe và thể trạng của trẻ trong suốt cuộc đời.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu báo cáo từ năm 1985 đến năm 2019, cho thấy các quốc gia có thanh niên 19 tuổi cao nhất vào năm 2019 là ở khu vực Tây Bắc và Trung tâm châu Âu, bao gồm Hà Lan, Montenegro, Đan Mạch và Iceland. Những quốc gia có chiều cao thấp nhất năm 2019 chủ yếu ở Nam và Đông Nam Á, Mỹ Latinh và Đông Phi, bao gồm Đông Timor, Papua New Guinea, Guatemala và Bangladesh.

Những quốc gia có sự cải thiện lớn nhất về chiều cao trung bình trong giai đoạn 35 năm qua tập trung ​​ở các nền kinh tế mới nổi như: Trung Quốc, Hàn Quốc và một số khu vực Đông Nam Á. Ví dụ, nam sinh 19 tuổi ở Trung Quốc năm 2019 cao hơn 8 cm so với năm 1985, bảng xếp hạng toàn cầu thay đổi từ vị trí 150 (năm 1985) lên vị trí thứ 65 (năm 2019). Ngược lại, chiều cao của trẻ em, đặc biệt là trẻ em trai, ở nhiều khu vực cận Sahara, các quốc gia châu Phi không có sự thay đổi hoặc giảm đi trong thời gian này.

Xếp hạng chiều cao toàn cầu của Anh đã xấu đi trong 35 năm qua, với nam sinh 19 tuổi giảm từ vị trí thứ 28 vào năm 1985 (176,3 cm) xuống vị trí thứ 39 vào năm 2019 (178,2 cm) và nữ sinh 19 tuổi từ vị trí thứ 42 (162,7 cm) xuống vị trí thứ 49 (163,9 cm).

Nghiên cứu cũng đánh giá Chỉ số khối cơ thể (BMI) của trẻ em – một thước đo tỷ lệ chiều cao trên cân nặng, đưa ra dấu hiệu về việc một người có cân nặng phù hợp với chiều cao của họ hay không. Phân tích cho thấy thanh niên 19 tuổi có chỉ số BMI cao nhất ở Thái Bình Dương, Trung Đông, Hoa Kỳ và New Zealand. Chỉ số BMI của thanh niên 19 tuổi thấp nhất ở các nước Nam Á như Ấn Độ và Bangladesh. Sự khác biệt giữa chỉ số BMI trong nghiên cứu là khoảng 9 đơn vị BMI (tương đương với khoảng 25 kg cân nặng).

Nhóm nghiên cứu giải thích kết quả phân tích cũng cho thấy, ở nhiều quốc gia, trẻ em ở độ tuổi 5 tuổi có chiều cao và cân nặng nằm trong ngưỡng khỏe mạnh do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định. Tuy nhiên, sau độ tuổi này, trẻ em ở một số quốc gia có tốc độ tăng chiều cao quá thấp và tăng cân quá mức so với tiềm năng phát triển khỏe mạnh.

Nhóm nghiên cứu cho biết nguyên nhân quan trọng nhất của việc này là do thiếu dinh dưỡng và môi trường sống trong những năm học đầy đủ và lành mạnh, vì cả việc tăng chiều cao và cân nặng đều có mối liên hệ chặt chẽ với chất lượng khẩu phần ăn của trẻ.

Giáo sư Majid Ezzati, tác giả cao cấp của nghiên cứu đến từ Trường Y tế Công cộng Imperial cho biết: “Trẻ em ở một số quốc gia phát triển khỏe mạnh đến 5 tuổi, nhưng lại bị tụt hậu trong các năm đi học. Điều này cho thấy có sự mất cân bằng giữa đầu tư vào cải thiện dinh dưỡng ở lứa tuổi mầm non, trẻ em trong độ tuổi đi học và thanh thiếu niên. Vấn đề này đặc biệt quan trọng trong đại dịch COVID-19 khi các trường học đóng cửa trên khắp thế giới và nhiều gia đình nghèo không thể cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho con cái của họ”.

Tiến sĩ Andrea Rodriguez Martinez, tác giả chính của nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Imperial, nói thêm: “Phát hiện của chúng tôi thúc đẩy các chính sách tăng cường sự sẵn có và giảm chi phí thực phẩm dinh dưỡng, vì điều này sẽ giúp trẻ em cao lớn hơn mà không bị tăng cân quá mức so với chiều cao. Những sáng kiến này bao gồm phiếu thực phẩm hướng tới thực phẩm bổ dưỡng cho các gia đình có thu nhập thấp và các chương trình bữa ăn lành mạnh miễn phí ở trường học đang bị đe dọa đặc biệt trong thời kỳ đại dịch cho sức khỏe và hạnh phúc”.

Lan Phương (dịch)

Nguồn: https://www.sciencedaily.com/releases/2020/11/201105183840.htm