Nghiên cứu từ châu Âu: Tương quan giữa ô nhiễm không khí và cảm giác không hạnh phúc của người dân

Các nhà nghiên cứu tại Canada đã tìm ra mối tương quan giữa ô nhiễm không khí và cảm giác không hạnh phúc của con người. Theo số mới nhất của Tạp chí Kinh tế xanh Quốc tế thì nghiên cứu chuyên sâu của các nhà khoa học đã cho thấy ô nhiễm không khí có thể dẫn đến cảm giác không hạnh phúc của con người và ngược lại: con người càng cảm thấy không hạnh phúc khi ô nhiễm không khí càng nặng nề.

Các nhà kinh tế học tại trường Đại học Trent University ở Ontario, Canada đã tiến hành khảo sát 14 nước châu Âu để xem liệu có mối quan hệ nhân quả nào giữa các mức độ ô nhiễm không khí và hạnh phúc của người dân các nước đó hay không. Trong đó, Byron Lew và Mak Arvin giải thích rằng nghiên cứu của họ không phải là về các yếu tố quyết định sự hài lòng về cuộc sống hay ô nhiễm không khí mà mục tiêu chính của nghiên cứu là tập trung vào các mối quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố này.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu ghi nhận về mức độ ô nhiễm tại Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ireland, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Nga, Tây Ban Nha và Anh. Họ đã thực hiện phân tích lượng khí thải carbon dioxide theo đầu người để lấy làm chỉ tiêu đo lường mức độ ô nhiễm môi trường, trong đó nguồn dữ liệu thu thập được chủ yếu là từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch. Tiếp đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành tìm ra mối quan hệ nhân quả giữa ô nhiễm môi trường với hạnh phúc của người dân (được xác định bằng dữ liệu khảo sát) bằng cách sử dụng kiểm định nhân quả Granger.

Các kết quả nghiên cứu không đưa ra một cơ chế chính sách nào mà chỉ nhằm chỉ ra rằng: mức độ ô nhiễm không khí gây ra cảm giác không hạnh phúc cho người dân và ngược lại. Tuy vậy, nghiên cứu cũng đã định hướng được rằng: những thay đổi về chính sách nhằm khuyến khích giảm ô nhiễm sẽ mang lại tác động tích cực. Nhóm nghiên cứu chia sẻ: “cần phải nhận thức vấn đề này một cách quyết liệt hơn để nhà nước có thể đưa ra được những quy định về môi trường nói chung và về chất lượng không khí nói riêng”, cũng như “không khí càng sạch thì càng nâng cao mức độ hạnh phúc của người dân châu Âu, và chúng tôi nghĩ là cả người dân tại các khu vực khác trên toàn cầu”. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên tiến hành những đo lường này nhằm tăng cường mức độ hài lòng về cuộc sống của người dân, chẳng hạn như cải thiện y tế và giáo dục, mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo cũng như những nỗ lực để giảm bớt căng thẳng tại nơi làm việc có thể giúp làm giảm ô nhiễm không khí.

Đậu Trang

Nguồn: Air Pollution and Unhappiness Correlated, Study of Europeans Shows

http://www.sciencedaily.com/releases/2013/01/130118125955.htm