Quốc hội chốt chỉ tiêu kinh tế 5 năm tới

Trong mục tiêu tổng quát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước vẫn được đặt lên hàng đầu…

Trên 94% các vị đại biểu Quốc hội tan thành với các chỉ tiêu kinh tế – xã hội trong 5 năm tới.

Với đa số phiếu thuận, sáng 12/4, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 – 2020.

Trong mục tiêu tổng quát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước vẫn được đặt lên hàng đầu.

Quốc hội cũng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hoá, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân…

Bội chi ngân sách dưới 4% GDP

9 chỉ tiêu về kinh tế được Quốc hội thông qua gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm 6,5 – 7%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200 – 3.500 USD, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 khoảng 85%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 dưới 4% GDP. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 – 35%.

Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 – 1,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 – 40%.

Kết quả biểu quyết riêng phần này có 94,94% các vị đại biểu tán thành.

Điều hành lãi suất theo diễn biến lạm phát

Về nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu trong 5 năm, nội dung đầu tiên được đề cập là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế – xã hội.

Với nhiệm vụ này, Quốc hội yêu cầu tiếp tục cụ thể hóa và triển khai Hiến pháp 2013, tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại, hội nhập quốc tế.

Đánh giá và xây dựng lộ trình tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch trong từng lĩnh vực, từng ngành nghề.

Nghị quyết cũng nêu rõ yêu cầu phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và các chính sách khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ kế hoạch và 3% vào năm 2020, điều hành lãi suất linh hoạt theo diễn biến lạm phát, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Giải pháp tiếp theo là thực hiện nghiêm Luật ngân sách nhà nước, Luật Phí và lệ phí và các luật thuế. Quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế.

Cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu lại, sử dụng hiệu quả nợ công và bảo đảm các giới hạn nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay, giảm dần vay bảo lãnh Chính phủ, vay để cho vay lại; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách.

Kiên quyết loại bỏ người trục lợi

Trong nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, Quốc hội yêu cầu kện toàn tổ chức bộ máy, thực hiện nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, nhất là việc kê khai trung thực, chính xác đầy đủ của người kê khai và cơ quan có trách nhiệm kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Đánh giá kiểm soát dòng tiền thu nhập thông qua mở tài khoản tại ngân hàng, trên cơ sở đánh giá hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ, thực chất. Thiết lập cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực hiệu quả, cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị…

Với nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giải pháp được nêu tại nghị quyết là hoàn thiện cải cách thủ tục hành chính gắn với nâng cao chất lượng chính sách, pháp luật theo hướng cụ thể, rõ ràng, minh bạch, dễ tiếp cận, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Quốc hội cũng yêu cầu thực hiện công khai, minh bạch từng thủ tục hành chính đối với từng ngành, từng lĩnh vực; khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện và chấp hành pháp luật.

Đồng thời, tổ chức giám sát việc triển khai thực thi pháp luật, đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, công chức, cương quyết loại bỏ những người gây cản trở, trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tư pháp, chống oan, sai, bức cung, nhục hình trong điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm các quyền con người, quyền công dân.

Nghị quyết của Quốc hội cũng nhấn mạnh nhiệm vụ kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, bảo đảm số lượng hợp lý, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Anh Tuấn (st)

Nguồn: http://vneconomy.vn/thoi-su/quoc-hoi-chot-chi-tieu-kinh-te-5-nam-toi-20160412091819381.htm