Số liệu thống kê có giá trị gì? Xác định giá trị của số liệu thống kê nhà nước

“Ra quyết định dựa trên bằng chứng” – là một thuật ngữ phổ biến của các nhóm phát triển chính sách và phát triển bền vững.

Các khuyến nghị của Bộ phận thống kê, Ủy ban Kinh tế châu Âu Liên hợp quốc (UNECE) về thúc đẩy, đo lường và truyền đạt giá trị của thống kê nhà nước mới được công bố, là công cụ thiết thực để hướng dẫn các nhà sản xuất thống kê nhà nước cố gắng làm cho dữ liệu thống kê trở thành một bằng chứng có vai trò quan trọng. Trong một thế giới nơi có lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra mọi lúc và nơi mọi người có thể tra cứu hầu hết mọi thứ họ muốn, bất cứ khi nào họ muốn, số liệu thống kê nhà nước nổi bật như một nguồn thông tin công bằng và đáng tin cậy.

Các nguyên tắc cơ bản của thống kê nhà nước tập trung vào sự độc lập chuyên nghiệp, phương pháp khoa học và tiêu chí chất lượng khắt khe, cung cấp lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ cho số liệu thống kê nhà nước. Mục tiêu là mọi người sẽ tìm kiếm và tham khảo số liệu thống kê nhà nước thay vì những dữ liệu có chất lượng thấp, nghi vấn hoặc xấu hơn là thông tin bị sai lệch.

Các khuyến nghị được phát triển bởi nhóm chuyên gia quốc tế gồm các chuyên gia từ các cơ quan thống kê quốc gia và quốc tế, cung cấp một phân tích về giá trị của số liệu thống kê nhà nước cho một loạt các bên liên quan khác nhau; một bộ tài liệu chung để các cơ quan thống kê sử dụng nhằm tiến hành khảo sát sự hài lòng của người dùng; và tổng quan về các phương pháp đo lường hiện tại và các đề xuất.

Khung đo lường, bao gồm các phương pháp kiếm tiền từ giá trị của các sản phẩm thống kê, hiện đang được thử nghiệm bởi 7 quốc gia UNECE để cung cấp hướng dẫn phương pháp tiếp theo. Armenia, Mexico, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Romania, Slovenia và Vương quốc Anh, mỗi quốc gia sẽ thử nghiệm một phần của khung, như: Làm thế nào để đánh giá các cách sử dụng số liệu thống kê; làm thế nào để xác định xem mọi người tin tưởng vào số liệu thống kê; và thách thức nhất là làm thế nào để tính toán giá trị tiền tệ của nó.

Một vài nỗ lực đến nay chứng minh rằng số liệu thống kê nhà nước mang lại lợi ích ròng, ví dụ, các tính toán cho thấy Điều tra dân số năm 2013 tại New Zealand tốn 198 triệu Đô la, nhưng điều quan trọng là, mỗi Đô la đầu tư dẫn đến thu về khoảng 5 Đô la cho đất nước và nền kinh tế của New Zealand.

Nghiên cứu của New Zealand đã xem xét 11 lĩnh vực tác động chính, như tài trợ y tế, lập kế hoạch cơ sở hạ tầng, giáo dục và hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương. Dữ liệu điều tra dân số cho phép ước tính chính xác hơn các tài trợ của chính phủ và các hoạch định chính sách, đầu tư công và tư nhân và ra quyết định kinh doanh, so với các nguồn dữ liệu tiềm năng khác. Ước tính kết quả giá trị kinh tế của điều tra dân số phải thận trọng, vì có nhiều lợi ích gián tiếp khó đo lường hoặc không thể đo lường được: Ví dụ, giá trị của dữ liệu điều tra dân số cho các nhà kinh tế, nhà nhân khẩu học và nhà khoa học khí hậu để đưa ra các dự báo, hoặc giá trị cho công dân có quyền dân chủ được hỗ trợ khi dữ liệu điều tra dân số được sử dụng để xác định ranh giới bầu cử.

Như John Pullinger, nhà thống kê quốc gia của Vương quốc Anh, người chủ trì nhóm chuyên gia, viết trong Lời nói đầu của khuyến nghị: “Sử dụng tốt các bằng chứng có thể giúp chúng ta phát triển nền kinh tế, mang lại công ăn việc làm và thịnh vượng. Việc sử dụng tốt các bằng chứng có thể giúp chúng ta đấu tranh cho công lý và cho phép những người bất lực nắm giữ quyền lực để giải quyết. Sử dụng tốt bằng chứng có thể giúp chúng ta tạo ra một môi trường mà chúng ta muốn sống và một tương lai bền vững cho con cái của chúng ta”.

Lan Phương (lược dịch)

Nguồn: https://www.unece.org/info/media/presscurrent-press-h/statistics/2019/what-are-statistics-worth-determining-the-value-of-official-statistics/doc.html