Sự phức tạp trong việc đánh giá chất lượng khoa học của các nghiên cứu bằng thống kê trích dẫn
Việc phân bổ nguồn lực trong cộng đồng khoa học càng ngày càng dựa trên các chỉ số định lượng khác nhau. Trong đó, một trong những chỉ số quan trọng nhất dùng để phản ánh chất lượng khoa học của một nghiên cứu chính là mức độ thường xuyên được trích dẫn của nghiên cứu đó. Tuy nhiên, một luận án tiến sĩ khoa học mới đây về lý thuyết khoa học của trường Đại học Gothenburg đã cho thấy: để phản ánh chất lượng của một nghiên cứu thì chỉ số Số lần được trích dẫn của một nghiên cứu là một tiêu chuẩn chưa toàn diện, nếu không muốn nói là còn nghèo nàn.
Tác giả của Luận án, Tiến sĩ lý thuyết khoa học Gustaf Nelhans thuộc trường Đại học
Gothenburg, đồng thời là giảng viên ngành Khoa học Thư viện và Thông tin tại trường Đại học Boras cho biết: “Nhà nghiên cứu sử dụng các trích dẫn khi muốn đưa ra một tham khảo về các kết quả nghiên cứu trước đó, chẳng hạn như để chứng minh một vấn đề. Tuy nhiên, có nhiều lý do khác nhau khi sử dụng các tham khảo”.
Các nhà nghiên cứu đôi khi tham khảo những nghiên cứu trước đó để chỉ ra nguồn gốc của những ảnh hưởng nhất định, hoặc xác định những công trình nghiên cứu trong quá khứ mà họ muốn tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, cũng nhiều trường hợp các nhà nghiên cứu trích dẫn các công trình trước đó nhằm phản bác lại hoặc thậm chí là bác bỏ hoàn toàn các nghiên cứu đó. Hoặc đôi khi, nhà nghiên cứu cũng sử dụng các nguồn tài liệu tham khảo để cho thấy những khác biệt của mình so với cách làm thông thường của các nhà nghiên cứu khác trong cùng một lĩnh vực.
Tiến sĩ Nelhans khẳng định: “Có thể kết luận rằng số lần được trích dẫn của một nghiên cứu là một chỉ số khá nghèo nàn để phản ánh chất lượng khoa học của nghiên cứu đó, cũng như không thể cho rằng nghiên cứu được trích dẫn càng nhiều thì chất lượng càng cao”. Kết quả của cái gọi là văn hóa trích dẫn vốn tồn tại trong cộng đồng khoa học chính là ngày càng nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu trình bày những công trình nghiên cứu của mình không chỉ với mục đích quảng bá nội dung nghiên cứu mà còn nhằm thu hút được nhiều trích dẫn nhất có thể. Mục đích của điều này là để đạt được sự thừa nhận trong cộng đồng khoa học cũng như đảm bảo cho nguồn kinh phí nghiên cứu.
Mặt khác, Tiến sĩ Nelhans cũng lập luận: Một mặt bạn có thể cho rằng một bài viết được trích dẫn được “sử dụng” trong các tài liệu sau này là điều “hiển nhiên”. Tuy nhiên, việc trích dẫn phải được thực hiện một cách cẩn thận vì những trích dẫn chỉ nên được lấy từ những ấn phẩm nhất định, cụ thể là các bài viết được xuất bản đã được chuyên gia đánh giá và các tạp chí khoa học được phân phối trên phạm vi quốc tế.
Luận án của Tiến sĩ Nelhans chỉ ra rằng: cách nhận thức về tác động của các trích dẫn nghiên cứu đã dẫn đến thực tế là các trích dẫn được hiểu như một bảo chứng mạnh mẽ trong cộng đồng khoa học, từ cấp quốc gia đến cấp độ cá nhân các nhà nghiên cứu.
Tiến sĩ Nelhans cho rằng: “Vấn đề là thống kê trích dẫn đưa ra một phép đo phức tạp mà trong đó hoàn toàn chưa phản ánh được chất lượng khoa học của các nghiên cứu. Do đó, cần phải xem xét toàn bộ hiện tượng này, đồng thời dừng việc lấy các các trích dẫn làm tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng khoa học của các nghiên cứu”. Ông cũng kêu gọi các nhà hoạch định cần phải thận trọng hơn nữa khi phân bổ kinh phí khoa học dựa trên các thống kê về trích dẫn.
Đ.Trang dịch
Nguồn: http://www.sciencedaily.com/releases/2013/10/131014094212.htm