Sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê: Để nhìn nhận sát thực hơn bức tranh KT-XH của đất nước
Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê nhằm mục tiêu cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình KT-XH của đất nước giai đoạn 2021-2030; giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô. Đồng thời, nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia và bảo đảm yêu cầu so sánh quốc tế trong các lĩnh vực.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê được trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Phương pháp chế độ và quản lý chất lượng thống kê, Tổng cục Thống kê cho biết, Luật Thống kê được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/11/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Sau 05 năm thực hiện, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực đối với công tác thống kê. Theo đó, Luật Thống kê đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thống kê, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thống kê ngày càng được tăng cường; chất lượng thông tin thống kê ngày càng được cải thiện. Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện Luật Thống kê cũng còn những bất cập như danh mục chỉ tiêu thống kê ban hành kèm theo Luật chưa cập nhật, phản ánh kịp thời một số chính sách pháp luật, định hướng phát triển của Đảng, Quốc hội, Chính phủ mới được ban hành trong thời gian gần đây…
Xuất phát từ thực tiễn nhằm bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phản ánh tình hình mới, bối cảnh mới phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước; căn cứ Điều 18 Luật Thống kê về điều chỉnh, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia: “Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia theo thủ tục rút gọn”, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, trình Chính phủ, Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2021.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Luật Thống kê; tổ chức các hội thảo trực tuyến, trực tiếp với các Bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến; hội thảo với các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về các chủ đề liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; nghiên cứu Luật Thống kê một số nước quy định danh mục chỉ tiêu thống kê như: Singapore, Nhật Bản, Mông Cổ, New Zealand, Canada, Thụy Điển.
Trên nguyên tắc và phương pháp thống kê đã được quốc tế công nhận, các quy định của Luật Thống kê, các Luật chuyên ngành có liên quan, khả năng có thể tính toán các chỉ tiêu thống kê do các Bộ, ngành đề xuất và thực tiễn triển khai của các quốc gia khác trên thế giới, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội tập trung sửa đổi những nội dung lớn, đã rõ và thực hiện được ngay bảo đảm kịp thời cung cấp thông tin sát thực với tình hình phát triển của đất nước, phản ánh thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong thời kỳ mới; đồng thời đảm bảo số liệu, thông tin thống kê phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành.
Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung 03 nội dung lớn nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia; không ảnh hưởng, tác động đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật Thống kê hiện hành.
Tại phiên họp ngày 13/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và đồng ý trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật này tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung gồm:
Một là, sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 về Quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP); Rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.
Hai là, sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48 về công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Ba là, thay thế Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 bằng Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này.
Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê nhằm mục tiêu cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế – xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030; giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô. Bên cạnh đó, nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia và bảo đảm yêu cầu so sánh quốc tế trong các lĩnh vực.
Ông Nguyễn Đình Khuyến cho biết thêm, việc sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu thống kê quốc gia tuân thủ theo các nguyên tắc: Thể chế hóa các đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; phản ánh tình hình kinh tế – xã hội chủ yếu của đất nước, phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; bảo đảm kế thừa, phát huy hiệu quả những quy định mang tính ưu việt trong Luật Thống kê; khắc phục hạn chế, bất cập và bổ sung những quy định phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của đất nước; bảo đảm tính khả thi khi Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung được ban hành, áp dụng thuận lợi trong thực tiễn; khẳng định và nâng cao vai trò của hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước, bảo đảm phù hợp với thực tiễn thống kê Việt Nam và các nguyên tắc hoạt động thống kê chính thức của Ủy ban Thống kê Liên Hợp Quốc; bảo đảm so sánh quốc tế.
Mỗi chỉ tiêu quốc gia được xác định, lựa chọn quy định tại Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia khi đảm bảo các tiêu chí gồm:
Thứ nhất, chỉ tiêu thống kê được lựa chọn quy định tại danh mục phải phản ánh tình hình kinh tế – xã hội chủ yếu của đất nước, phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; phản ánh, lượng hóa việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những chủ trương, chính sách trong bối cảnh mới. Đó là những thông tin, số liệu về kinh tế – xã hội chủ yếu ở tầm quốc gia.
Thứ hai, chỉ tiêu thống kê được lựa chọn quy định tại danh mục phải bảo đảm tính khả thi – tức là chỉ tiêu thống kê phải thu thập, tổng hợp và biên soạn được trên thực tiễn. Nguyên tắc này đòi hỏi phải: Bảo đảm kế thừa, phát huy hiệu quả những quy định mang tính ưu việt trong Luật Thống kê; Bảo đảm thống nhất, tương thích và tính so sánh quốc gia, giữa các vùng miền nhưng vẫn đáp ứng được các điều kiện thực tiễn; Bảo đảm thống nhất với các hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các hệ thống chỉ tiêu thống kê đa ngành, đa lĩnh vực và liên kết vùng.
Thứ ba, chỉ tiêu thống kê được lựa chọn quy định tại danh mục phải bảo đảm so sánh quốc tế; phù hợp với thực tiễn thống kê và tuân thủ các nguyên tắc hoạt động thống kê chính thức của Ủy ban Thống kê Liên Hợp Quốc./.
Nguồn: http://baochinhphu.vn/