Tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2024 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Kinh tế thế giới sáu tháng đầu năm 2024 tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, gia tăng căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương, cản trở đầu tư, gây bất định cho cả sản xuất và tiêu dùng, đồng thời làm tăng biến động tài chính. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, giá trung bình của hàng hóa giảm nhờ nguồn cung được cải thiện. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2024 tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo (chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp, quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế) tăng 5,9%. Một số ngành thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh, cụ thể: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 28,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 24,8%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 21,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 18,1%; sản xuất kim loại tăng 16,6%; dệt tăng 14,6%.

Sang quý II/2024, ngành công nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn so với quý I/2024, mặc dù tăng trưởng vẫn ở mức thấp trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới …, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là việc tiếp cận dòng tiền, thị trường xuất khẩu và đơn hàng. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý II/2024 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước cao hơn mức tăng 5,9% của quý I/2024, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8%. Chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp cấp II tăng trưởng tốt hơn quý I như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 31,1% (quý I tăng 26,75); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 20,5% (quý I tăng 19,1; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 19,8% (quý I tăng 6,3%);sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,1% (quý I tăng 4,8%); sản xuất đồ uống tăng 4,6% (quý I tăng 2,3%); sản xuất trang phục tăng 6,8% (quý I tăng 4,4%). Chỉ số sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm 2024 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 24,2%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 20,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 12%.

Hình 1.Tốc độ tăng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I và quý II năm 2024 (%)

Cùng với đó, trị giá xuất khẩu của một số mặt hàng thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II đạt cao hơn so với quý I/2024, cụ thể: Xuất khẩu giày dép đạt 6.049 triệu USD tăng 26,2%; dây điện và cáp điện đạt 867 triệu USD tăng 12,8%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 3.885 tăng 9,8%; dệt, may đạt 8.461 USD tăng 8,2%; giấy và sản phẩm từ giấy đạt 525 triệu USD tăng 7,8% điện tử, máy tính và linh kiện đạt 16.577 triệu USD, tăng 1,5% so với quý I/2024.tăng 3,1%. Trị giá nhập khẩu của một số mặt hàng thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II đạt cao hơn so với quý I/2024, cụ thể: Nhập khẩu dầu thô đạt 2.504 triệu USD tăng 23,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 730 triệu USD tăng 36,3%; vải đạt 3.962 triệu USD tăng 25,5%; hóa chất đạt 2.240 triệu USD tăng 15,7%; khí đốt hóa lỏng đạt 567 triệu USD tăng 13,4%.

Một số mặt hàng nhập khẩu trong sáu tháng đầu năm 2024 tăng cao, làm nguyên liệu sản xuất đầu vào cho ngành chế biến, chế tạo trong thời gian tới như: Điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 48.838 triệu USD tăng 26,7% so với quý I/2024; Máy móc thiết bị, dụng cụ PT khác đạt 22.313 triệu USD tăng 14,6%; vải đạt 7.118 triệu USD tăng 110,8%; sắt, thép đạt 5.901 triệu USD tắng 124,0%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2024 của một số địa phương tăng cao phải kể đến là: : Lai Châu tăng 76,1%; Phú Thọ tăng 35,1%; Bắc Giang tăng 26,8%; Bình Phước tăng 17,0%; Hà Nam tăng 15,8%; Hải Phòng tăng 15,6%.

Hình 2. Tốc độ tăng/giảm chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của một số địa phương 6 tháng đầu năm 2024

Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động SXKD quý II/2024 thuận lợi hơn quý I/2024 với 79,0% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và giữ ổn định (37,4% tốt hơn và 41,6% giữ ổn định), 21,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn . Dự báo quý III/2024 khả quan hơn quý II/2024 với 82,9% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và giữ ổn định (40,7% tốt hơn, 42,2% giữ ổn định), 17,1% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.

Trong thời gian tới, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm. Để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi và là động lực tăng trưởng kinh tế, cần thực hiện một số giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất như sau:

– Chính phủ, các cấp, các ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân nhanh các gói cứu trợ doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả; cần có giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

– Ngành điện cần đảm bảo nguồn điện cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ cá thể và nhu cầu tiêu dùng của dân cư trong mùa cao điểm của nắng nóng.

– Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu,…

– Về lao động: Chính sách hỗ trợ cho người lao động cần rõ ràng, giảm bớt thủ tục, hướng dẫn cụ thể, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Cần có gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, hỗ trợ các nguồn tín dụng để doanh nghiệp trả lương cho người lao động đối với doanh nghiệp gặp khó khăn;

– Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải ngân nhanh đầu tư công, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ngành xây dựng, công nghiệp phát triển, giải quyết việc làm, thu nhập của người lao động, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế;

– Đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả trong ngăn chặn hàng nhập lậu, chống chuyển giá, gian lận nhãn mác trong các doanh nghiệp;

– Tuyên truyền và đẩy mạnh chính sách tiêu dùng trong nước, kích cầu tiêu thụ trong nước theo chủ trương của Đảng và Nhà nước “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Nguồn TCTK