Tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2016
Sáng ngày 28/6/2016, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2016. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK chủ trì buổi Họp báo. Tham dự có lãnh đạo TCTK; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc cơ quan TCTK; đại biểu từ các Bộ ngành; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Về tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2016:
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2016 ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,55%), trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%, đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,35%, đóng góp 2,38 điểm phần trăm; riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung. Tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay tuy cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2012-2014[1] nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong 6 tháng đầu năm 2015.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành nông nghiệp (chiếm trên 75% giá trị tăng thêm khu vực I) giảm 0,78%. Nguyên nhân do sản lượng lúa đông xuân năm nay chỉ đạt 19,4 triệu tấn, giảm 1,3 triệu tấn (giảm 6,4%) so với vụ đông xuân 2015. Giá trị tăng thêm ngành lâm nghiệp tăng 5,75%; ngành thủy sản tăng 1,25%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 6,82%, thấp hơn nhiều mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 2,20%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%, tương đương với mức tăng của cùng kỳ năm 2015. Ngành sản xuất và phân phối điện và ngànhcung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng trưởng khá tốt với mức tăng tương ứng là 11,70% và 8,10%. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng 8,80%.
Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 tới nay[2]. Trong đó, một số ngành tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Bán buôn, bán lẻ tăng 8,1%; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 6,1%; thông tin và truyền thông tăng 8,76%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 7,30%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 7,20%; giáo dục và đào tạo tăng 7,15%. Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 3,77%, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay[3].
Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2016, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,94%; khu vực dịch vụ chiếm 41,01% (thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,31%).
Xét về góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2015, đóng góp 5,09 điểm phần trăm; tích lũy tài sản tăng 10,00%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ làm giảm 2,22 điểm phần trăm.
Ngoài ra chỉ số CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2016 tăng 1,72% so với bình quân cùng kỳ năm 2015; Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2016 tăng 1,80% so với bình quân cùng kỳ năm 2015; Tỷ lệ đói tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; số vụ tai nạn giao thông giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong buổi họp báo, TCTK giải đáp các câu hỏi của các cơ quan thông tấn báo chí và đưa ra những đánh giá, phân tích về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2016, cũng như những tác động của bối cảnh trong nước và thế giới đến diễn biến kinh tế – xã hội 6 tháng cuối năm của Việt Nam.
Một số hình ảnh tại buổi Họp báo:
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK, phát biểu tại buổi Họp báo
Đại diện TCTK giải đáp các câu hỏi của các cơ quan thông tấn báo chí
Toàn cảnh buổi Họp báo
[1] Tốc độ tăng GDP 6 tháng các năm 2012-2014 lần lượt là 4,93%; 4,90%; 5,22%.
[2] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành dịch vụ 6 tháng của một số năm: Năm 2012 tăng 6,11%; năm 2013 tăng 6,13%; năm 2014 tăng 5,82% và năm 2015 tăng 5,86%.
[3] Mức tăng ngành kinh doanh bất động sản 6 tháng của một số năm: Năm 2011 tăng 0,3%; năm 2012 giảm 0,75%; năm 2013 tăng 0,76%; năm 2014 tăng 1,87% và năm 2015 tăng 2,35%.
Anh Tuấn