Tổng cục Thống kê làm việc với các chuyên gia dân số và phát triển của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc

Trong khuôn khổ triển khai chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2026 giữa Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Tổng cục Thống kê (TCTK), sáng ngày 27/8/2024, Tổng cục Thống kê đã có buổi làm việc với các chuyên gia dân số và phát triển của UNFPA. Tham dự buổi làm việc, về phía TCTK có Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến – Giám đốc dự án VNM10P04 do UNFPA tài trợ; Phó Tổng cục trưởng Đỗ Thị Ngọc, phụ trách lĩnh vực hợp tác quốc tế; lãnh đạo và chuyên viên một số đơn vị liên quan thuộc cơ quan TCTK. Về phía UNFPA, có bà Wassana Im-em – Cố vấn Kỹ thuật về Dân số và Phát triển từ Văn phòng UNFPA Khu vực châu Á – Thái Bình Dương; nhóm Dân Số và Phát triển của UNFPA Việt Nam.

Lãnh đạo TCTK và các đơn vị liên quan tiếp đón và làm việc với các chuyên gia UNFPA sáng ngày 27/8/2024
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến gửi lời cảm ơn trân trọng đến UNFPA, đã luôn hỗ trợ và đồng hành cùng TCTK trong gần 50 năm qua thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Đến nay đã là chu kỳ thứ 10 của dự án hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA. Nhờ có những hỗ trợ kỹ thuật này, Việt Nam đã thực hiện thành công 5 cuộc Tổng Điều tra (TĐT) Dân số và Nhà ở với chất lượng cao và thu được kết quả nhanh chóng. Với sự hỗ trợ của UNFPA, TCTK cũng đã thực hiện thành công các cuộc điều tra: Di cư nội địa quốc gia, điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ, điều tra 53 dân tộc thiểu số. Gần đây nhất là cuộc Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019, Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024. Số liệu thu thập được từ các cuộc điều tra này đã góp phần cung cấp số liệu chính xác cho Đảng, Chính phủ Việt Nam có những chính sách điều hành phù hợp với tình hình thực tế của đất nước.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cho biết, ngoài các hỗ trợ liên quan đến các cuộc Tổng điều tra, điều tra, UNFPA còn hỗ trợ nhiều hoạt động hữu ích khác cho TCTK trong chu kỳ 9 và chu kỳ 10, điển hình như: Hỗ trợ xây dựng hai trang website liên quan đến kết quả TĐT: Bảng điều khiển kỹ thuật (Dashboard) Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (https://dashboard.gso.gov.vn/); Hệ thống dữ liệu không gian dân số và phát triển (WEBGIS) (GIS on Population and Development (gso.gov.vn)). Hỗ trợ xây dựng dàn mẫu chủ cho các cuộc Tổng điều tra và điều tra thống kê; xây dựng các chỉ tiêu phát triển bền vững, bao gồm cả các chỉ tiêu dân số – phát triển (ví dụ sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới, giáo dục…); Xây dựng các chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã liên quan đến dân số và phát triển; Xây dựng báo cáo tài khoản chuyển nhượng quốc gia của Việt Nam (NTA); Tổ chức hội thảo công bố báo cáo và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong chính sách phát triển. Tập huấn Phân tích tài khoản chuyển nhượng quốc gia chuyên sâu để xây dựng báo cáo “Tác động của cấu trúc dân số theo thành thị – nông thôn, giới tính và cấu trúc tuổi đến kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020” dựa vào mô hình I-O mở rộng, đang diễn ra vào 2 ngày 26-27/8/2024. Các tập huấn liên quan đến nhân khẩu học như tập huấn Ước lượng nhỏ (small area estimation – SAE); tập huấn nâng cao phân tích dân số sử dụng phần mềm SPSS… Các chuyến Khảo sát học tập kinh nghiệm quốc tế tại Nhật Bản năm 2022, hội thảo quốc tế về Tổng điều tra Dân số lần thứ 32 tại Mông Cổ diễn ra vào ngày 20-22/8 vừa qua.

Tổng cục Thống kê làm việc với các chuyên gia dân số và phát triển của UNFPA 1Bà Wassana Im-em, cố vấn Kỹ thuật về Dân số và Phát triển từ Văn phòng UNFPA Khu vực châu Á –
Thái Bình Dương (ngồi giữa) và các chuyên gia dân số và phát triển của UNFPA
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Wassana Im-em – Cố vấn Kỹ thuật về Dân số và Phát triển Văn phòng UNFPA Khu vực châu Á – Thái Bình Dương bày tỏ vui mừng được đến thăm và làm việc với TCTK. Bà Wassana đánh giá cao trò của các đại biểu trong việc chia sẻ những nội dung ưu tiên và hiệu quả trong quá trình hợp tác giữa 2 bên trong chu kỳ này và khẳng định những điểm Phó Tổng cục trưởng vừa nêu cũng là những quan tâm chính của Thống kê thế giới và UNFPA. Bên cạnh đó, bà bày tỏ mong muốn TCTK chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về các cuộc Tổng điều tra như TĐT kinh tế, TĐT dân số và nhà ở. Trong đó có nhiều kinh nghiệm quý báu được thế giới quan tâm như: Thu thập số liệu thống kê làm bằng chứng triển khai chính sách ở các địa phương; giải quyết tình trạng mức sinh thấp, già hóa dân số… Qua buổi làm việc, bà Wassana nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng công cụ Phân tích tài khoản chuyển nhượng quốc gia (NTA) trong việc xây dựng chính sách ứng phó với vấn đề già hóa dân số cũng như nhiều vấn đề khác.
Đại diện nhóm Dân Số và Phát triển của UNFPA Việt Nam cho biết, hiện nay, UNFPA đang tiến hành đánh giá giữa kỳ. Đây là công tác quan trọng nhằm xác định các ưu tiên cho chương trình trong giai đoạn còn lại của chu kỳ và đặt nền móng cho việc xây dựng chương trình hợp tác trong chu kỳ mới. Buổi làm việc do UNFPA đề xuất và nhận được sự đồng thuận của TCTK là cơ hội để bà Wassana được gặp gỡ các đối tác, hỗ trợ kỹ thuật và xác định các ưu tiên trong thời gian tới, nhằm củng cố kết quả của đánh giá giữa kỳ.
Trên tinh thần cởi mở, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến đã chia sẻ một số nội dung về các cuộc TĐT của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc TCTK triển khai hình thức thu thập thông tin mới là sử dụng phiếu điện tử CAPI, thiết bị điện thoại thông minh thay vì phiếu giấy như trước đây với sự hỗ trợ của UNFPA.
Tổng cục Thống kê làm việc với các chuyên gia dân số và phát triển của UNFPA 2Toàn cảnh buổi làm việc
Với cương vị phụ trách lĩnh vực hợp tác quốc tế, Phó Tổng cục trưởng Đỗ Thị Ngọc nhấn mạnh sự hợp tác tốt đẹp cùng các hỗ trợ hiệu quả Việt Nam nhận được từ UNFPA đã góp phần khẳng định vị thế của cơ quan Thống kê Việt Nam trên thế giới; đồng thời, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của NTA và kỳ vọng sẽ đạt được nhiều thành tựu tốt đẹp, tạo bước đệm cho những bước đi sau này.
Tiếp theo chương trình, các đại biểu của cơ quan hai bên đã cùng thảo luận về các thành tựu công việc đã đạt được trong quá trình hợp tác của chu kỳ này; và đề xuất các nội dung hợp tác trong 2 năm còn lại của chu kỳ 2022-2026, trong đó nhấn mạnh việc sử dụng NTA một cách hiệu quả./.