Tổng cục Thống kê làm việc với Đoàn chuyên gia Đan Mạch
Sáng ngày 28/11/20222, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã có buổi làm việc với Đoàn chuyên gia Đan Mạch triển khai thực hiện hợp phần biên soạn tài khoản kinh tế – môi trường của Dự án “Hỗ trợ Việt Nam cải thiện chất lượng số liệu thống kê chính thức” do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. Phó Tổng cục trưởng TCTK Lê Trung Hiếu chủ trì buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc có Ông Thomas Eisler, Trưởng bộ phận, cơ quan Thống kê Đan Mạch; đại diện chuyên viên các đơn vị nghiệp vụ thuộc TCTK; Đoàn chuyên gia Đan Mạch; các bộ, ngành có liên quan.
Là một quốc gia có nền thống kê tiên tiến, cộng với kinh nghiệm thực tiễn và am hiểu sâu về lý thuyết, Phó Tổng cục trưởng Lê Trung Hiếu hy vọng Thống kê Đan Mạch sẽ giúp Việt Nam đặt nền móng thật chắc chắn cho nghiên cứu đầu tiên về thống kê năng lượng và thống kê khí thải; hỗ trợ Việt Nam xây dựng và hoàn thiện toàn bộ hệ thống dữ liệu, thông tin thống kê về hai nhóm tài khoản trên từ các nguồn thông tin hiện có như dữ liệu hành chính, điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê từ trung ương đến địa phương.
Phó Tổng cục trưởng Lê Trung Hiếu cũng mong vọng rằng, Đoàn Chuyên gia Đan Mạch và đại diện các bộ, ngành, các đơn vị của TCTK sẽ tập trung thảo luận và làm rõ các vấn đề mà các bên quan tâm, thống nhất về nhu cầu thu thập và chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, kế hoạch và lộ trình triển khai công việc của Dự án.
Trong thời gian triển khai Dự án, TCTK sẽ tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các Chuyên gia, đại diện các bộ, ngành và các đơn vị của Tổng cục Thống kê triển khai các công việc của Dự án được thuận lợi, hiệu quả, nhằm đạt được những kết quả theo đúng mong đợi đã đề ra.
Nội dung chính sẽ tập trung vào các vấn đề: (1) Đánh giá tình hình hiện tại về thống kê môi trường và tài khoản môi trường tại TCTK và của Việt Nam nói chung, bao gồm nhu cầu về tăng cường hợp tác giữa các đơn vị cung cấp số liệu và đơn vị sử dụng số liệu; (2) Trình bày kinh nghiệm của Đan Mạch trong việc sản xuất số liệu kinh tế – môi trường, với trọng tâm là tài khoản năng lượng và phát thải; (3) Trình bày về các tài khoản kinh tế – môi trường khác nhau có sẵn trong Khung SEEA và các đặc điển, lợi thế chính của tài khoản kinh tế – môi trường; (4) Trình bày và thảo luận về phương pháp thực hiện và phương pháp biên soạn tài khoản về năng lượng và phát thải dựa trên Khung SEEA bao gồm các nguồn dữ liệu; (5) Đưa ra thí dụ cụ thể về cách thức liên hệ tài khoản năng lượng và phát thải với việc lập mô hình đầu vào – đầu ra và cách thức phổ biến các tài khoản này, như thông qua các chỉ số giám sát SDG.