Tổng thư ký Liên hợp quốc công bố Báo cáo Các mục tiêu phát triển bền vững năm 2016
Báo cáo Các mục tiêu phát triển bền vững năm 2016 trình bày tổng quan về tiến trình của thế giới theo 17 mục tiêu trong Chương trình nghị sự đến năm 2030, hình thức trình bày trực quan với nhiều bảng biểu và đồ họa thông tin. Báo cáo này được công bố nối tiếp sau Báo cáo gần đây của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về “Tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững” (E/2016/75). Cả hai báo cáo đều dựa trên đề xuất khung chỉ số toàn cầu do Nhóm chuyên gia các tổ chức liên minh về chỉ số SDG (IAEG-SDGs) xây dựng và thống nhất.
Song song với việc công bố Báo cáo Các mục tiêu phát triển bền vững năm 2016, một cơ sở dữ liệu về các chỉ số SDG toàn cầu cũng đã được đưa ra, trong đó bao gồm các dữ liệu cấp quốc gia và các dữ liệu tổng hợp của khu vực và toàn cầu được biên soạn thông qua hệ thống Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.
Xem Cơ sở dữ liệu về các chỉ số SDG toàn cầu tại liên kết:
http://unstats.un.org/sdgs/indicators/database/
Báo cáo Các mục tiêu phát triển bền vững năm 2016 sẽ sớm được dịch ra 6 ngôn ngữ chính thức của Liên Hiệp Quốc.
Xem Báo cáo Các mục tiêu phát triển bền vững năm 2016 tại liên kết: http://unstats.un.org/sdgs/report/2016/
Trong Báo cáo, Ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc có Lời mở đầu như sau: vào ngày 01 tháng 01 năm 2016, thế giới đã chính thức bắt đầu thực hiện Chương trình Phát triển kế hoạch biến đổi bền vững vào năm 2030, hành động dựa trên 17 mục tiêu phát triển bền vững giải quyết những thách thức toàn cầu, cấp bách trong 15 năm tiếp theo.
Chương trình là lộ trình để cho con người và hành tinh này xây dựng nên sự thành công của các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và bảo đảm tiến bộ xã hội và kinh tế bền vững trên toàn thế giới. Nó không chỉ để xóa bỏ nghèo đói cùng cực, mà còn để tích hợp và cân bằng ba hướng phát triển bền vững – kinh tế, xã hội và môi trường trong một tầm nhìn toàn cầu toàn diện.
Điều quan trọng là chúng ta bắt đầu thực hiện với một ý thức về cơ hội và mục đích dựa trên một đánh giá chính xác thực trạng thế giới.
Đó là mục đích của báo cáo này. Nó trình bày một cái nhìn tổng quan của 17 mục tiêu, sử dụng dữ liệu hiện có để làm nổi bật những khoảng trống và những thách thức lớn nhất.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy rằng khoảng 1/8 người sống trong nghèo đói cùng cực, gần 800 triệu người bị đói, gần một phần tư trẻ em dưới 5 tuổi sinh ra đã không được ghi nhận, 1,1 tỷ người đang sống không có điện, và sự khan hiếm nước ảnh hưởng đến hơn 2 tỷ người.
Dữ liệu thống kê cho thấy tầm quan trọng của những nỗ lực kết hợp dữ liệu toàn cầu sẽ được sử dụng để cung cấp số liệu đáng tin cậy và kịp thời cho hệ thống theo dõi và đánh giá sự tiến bộ.
Các mục tiêu này áp dụng cho toàn xã hội. Ngay cả những nước giàu vẫn chưa trao quyền cho phụ nữ hoàn toàn hoặc loại bỏ phân biệt đối xử. Tất cả các quốc gia cần phải bổ sung các mục tiêu phát triển bền vững vào các chính sách và kế hoạch quốc gia nếu muốn đạt được.
Báo cáo đầu tiên này là một điểm khởi đầu. Với nỗ lực hành động trên toàn cầu, chúng ta có thể nắm bắt cơ hội trước mắt, thực hiện đầy đủ các cam kết của Chương trình nghị sự năm 2030 là không để lại một ai phía sau.
“Chương trình nghị sự mới là một lời hứa của các nhà lãnh đạo cho tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Đó là một tầm nhìn toàn cầu, tích hợp và biến đổi cho một thế giới tốt đẹp hơn. Nó là một chương trình nghị sự cho mọi người, để chấm dứt đói nghèo ở tất cả dưới mọi hình thức. Một chương trình cho các hành tinh, ngôi nhà chung của chúng ta. Một chương trình để chia sẻ sự thịnh vượng, hòa bình và hợp tác. Nó mang tính cấp thiết của tác động khí hậu. Nó bắt nguồn từ sự bình đẳng giới tính và tôn trọng các quyền của tất cả mọi người. Trên tất cả, nó cam kết không để lại một ai phía sau.” – Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Đỗ Ngát (dịch và tổng hợp)
Nguồn: http://unstats.un.org/sdgs/report/2016/