Trọng thể kỷ niệm 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Tối 6/11, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Bộ Tư pháp long trọng tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11).

Trọng thể kỷ niệm 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Lễ hưởng ứng – Ảnh: VGP/LS

Dự và phát biểu chỉ đạo Lễ hưởng ứng có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; các Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng;Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Về phía Bộ Tư pháp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Lê Thành Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường; các Thứ trưởng Bộ Tư pháp và lãnh đạo các Cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Phát biểu khai mạc Lễ hưởng ứng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh: Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát, chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân; nỗ lực của các cơ quan, cùng với sự chủ động tham mưu của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) các cấp và của ngành tư pháp, việc triển khai Ngày Pháp luật đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tinh thần Ngày Pháp luật đã và đang được lan tỏa, thẩm thấu sâu hơn trong đời sống xã hội, góp phần trực tiếp vào công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và qua đó góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ: Năm 2022 là năm thứ 10 hưởng ứng Ngày Pháp luật. Các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương trong cả nước đã và đang thực hiện Kế hoạch tổ chức sự kiện quan trọng này bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo.

Đặc biệt, trong 2 tháng cao điểm tổ chức hưởng ứng, các hoạt động đã diễn ra sôi nổi trên khắp mọi miền đất nước, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đón nhận và tích cực tham gia.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam; sự đồng hành của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; đặc biệt là sự ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực hơn nữa của các tầng lớp nhân dân để Ngày Pháp luật Việt Nam ngày càng lan tỏa, thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, tiếp tục góp phần xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật vì một Nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trọng thể kỷ niệm 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam - Ảnh 2.

Giao lưu với các cá nhân điển hình tiên tiến tại Lễ hưởng ứng – Ảnh: VGP/LS

Điểm nhấn của buổi lễ là phóng sự “Ngày Pháp luật Việt Nam – 10 năm nhìn lại” đánh giá, nhìn lại kết quả 10 năm triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam trên cả nước với thành tựu xuyên suốt quá trình xây dựng, thi hành pháp luật, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong xã hội. Tại buổi lễ có phần giao lưu, tọa đàm trên sân khấu giữa các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong 10 năm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và 10 năm thực hiện Luật PBGDPL năm 2012.

Buổi lễ vinh dự có sự tham gia và phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, về định hướng triển khai hiệu quả Ngày Pháp luật Việt Nam trong thời gian tới.

Một trong những nội dung quan trọng của buổi lễ chính là phần trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc qua 10 năm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên cả nước. Đây chính là sự ghi nhận, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu đã có thành tích xuất sắc trong công tác này.

Trọng thể kỷ niệm 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam - Ảnh 3.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ – Ảnh: VGP/LS

Theo quy định tại Điều 8 Luật PBGDPL, ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cho mọi người, góp phần xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật của mỗi người, qua đó, xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội.

Thông qua Ngày Pháp luật Việt Nam là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, PBGDPL; định hướng triển khai trong thời gian tới; tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.

Ngày Pháp luật Việt Nam còn có ý nghĩa giáo dục, xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với pháp luật, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, tạo lập kỷ cương, phép nước góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, PBGDPL, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, một xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Năm 2022 là năm thứ 10 cả nước thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, nhằm khẳng định, làm sâu sắc thêm mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam và vai trò của pháp luật đối với đời sống xã hội.

Nguồn: https://baochinhphu.vn/trong-the-ky-niem-10-nam-ngay-phap-luat-viet-nam-102221106225101409.htm