UNCTAD, UNECE và UNECA chung tay vào dự án khai thác dữ liệu và số liệu thống kê chính sách thương mại đáp ứng về giới
Một dự án mới, tập hợp ba văn phòng thống kê của Liên hợp quốc, đang giúp các quốc gia sản xuất và sử dụng số liệu thống kê mới để đo lường mối liên hệ giữa giới và thương mại.
Thương mại hàng hóa và dịch vụ là động cơ của hoạt động kinh tế, và việc đo lường thương mại này từ lâu đã trở thành nền tảng của thống kê kinh tế. Nhưng phần lớn thời gian này, thương mại được coi là trung lập về giới. Thống kê về thương mại và các chính sách dựa trên các số liệu thống kê thường được thực hiện mà không xem xét các khía cạnh giới – những cách khác nhau mà phụ nữ và nam giới sản xuất, tiêu dùng, làm việc, đổi mới và trải nghiệm các tác động của thương mại.
Quan điểm này hiện đang thay đổi khi ngày càng rõ ràng rằng bất bình đẳng giới có thể hình thành sự khác biệt trong tiếp cận các nguồn lực và cơ hội, từ đó dẫn đến các kết quả khác nhau cho phụ nữ và nam giới trong nền kinh tế. Các chính sách thương mại có thể có những tác động tái phân phối quan trọng, nhưng tùy thuộc vào cách chúng được xây dựng, có thể làm giảm sự chênh lệch hiện có hoặc vô tình làm chúng tăng lên. Dữ liệu và số liệu thống kê chắc chắn là rất quan trọng để cho phép các nhà hoạch định chính sách dự đoán các chính sách ảnh hưởng đến bình đẳng giới như thế nào, để ngăn chặn sự phân cực và loại trừ xã hội cũng như thúc đẩy các hành động khắc phục.
Tại bảy quốc gia thuộc khu vực UNECE: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Cộng hòa Moldova dự án mới sẽ thử nghiệm một Khung mới để hiểu được tác động qua lại của giới và thương mại, giúp phát triển hướng dẫn thực tế cho các quốc gia để tổng hợp các số liệu thống kê cần thiết.
Khuôn khổ tìm kiếm các cách phân tích dữ liệu đã được tạo ra để xem xét các khía cạnh giới của thương mại: những thứ thúc đẩy con người và hình thành nguyện vọng của họ; các nguồn lực có thể tiếp cận và các hạn chế đối với việc tham gia vào thương mại; các vai trò khác nhau trong thương mại và khởi nghiệp; và các hiệu suất khác nhau dẫn đến kết quả đó. Ví dụ, các rào cản pháp lý hoặc văn hóa đối với việc sở hữu tài sản có thể hạn chế khả năng khởi nghiệp của phụ nữ. Gánh nặng của công việc chăm sóc không được trả lương có thể hạn chế những loại công việc được trả lương mà phụ nữ có thể đảm nhận. Tác động của thương mại thông qua cạnh tranh quốc tế có thể giảm tiền lương xuống, đặc biệt là đối với những người làm công việc có tay nghề thấp mà không có khả năng thương lượng cao.
Nhiều thống kê hiện có về thương mại đã được phát triển tốt trong các hệ thống thống kê quốc gia, nhưng đơn giản là thiếu khía cạnh giới. Tích hợp dữ liệu về giới tính của người lao động, chủ doanh nghiệp và người quản lý, chẳng hạn như khảo sát kinh doanh hoặc thêm câu hỏi về tham gia thương mại vào khảo sát lực lượng lao động, có thể là một cách dễ dàng đạt được, cho phép các nhà phân tích xem xét hồ sơ của phụ nữ và nam giới trong thương mại quốc tế. Các lĩnh vực khác sẽ có nhiều thách thức hơn, đòi hỏi phải xem xét sâu hơn các khái niệm, định nghĩa và phương pháp thu thập dữ liệu trong các lĩnh vực, các khía cạnh quan trọng để hiểu sự khác biệt về giới thường bị bỏ sót: chẳng hạn như công việc phi chính thức và doanh nhân không chính thức, sự linh hoạt trong sắp xếp công việc và các loại điều kiện lao động mà phụ nữ và nam giới phải đối mặt.
Bằng cách làm việc với các quốc gia thành viên UNECE ở Đông Âu, Trung Á và Caucasus, dự án sẽ tăng cường năng lực của các cơ quan thống kê quốc gia để cung cấp dữ liệu cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách, giúp tổng hợp một bức tranh chi tiết hơn về tiến độ hướng tới chính sách thương mại bao trùm và công bằng phát triển kinh tế như một phần của Chương trình nghị sự 2030.
Đỗ Ngát (lược dịch)
Nguồn: https://unece.org/statistics/news/unctad-unece-and-uneca-embark-project-harness-data-and-statistics-gender-responsive