UNECE và Canada huy động các chuyên gia để giải quyết các thách thức về đo lường nền kinh tế tuần hoàn
Các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân trên khắp thế giới ngày càng nhận ra cách thức hoạt động của nền kinh tế không thể duy trì nếu muốn ngăn chặn làn sóng của biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và mất đa dạng sinh học cũng như giảm tác động tiêu cực đối với môi trường. Cách tiếp cận bền vững hơn đòi hỏi chúng ta phải hướng tới một mô hình tuần hoàn, trong đó nguyên liệu thô, năng lượng, sản phẩm và thông tin luân chuyển và tuần hoàn càng lâu càng tốt.
Việc lập kế hoạch và quản lý quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có nhiều loại dữ liệu và số liệu thống kê. Các số liệu là điều cần thiết để các nhà lập kế hoạch biết được: Nên bắt đầu từ đâu? Hướng tới điều gì? Những hoạt động hiệu quả hoặc không hiệu quả để giúp chúng ta đạt được điều đó.
Nhưng chúng ta cần loại số liệu nào? Số liệu thống kê đơn giản, có phạm vi nhỏ có thể giúp các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo thu hút sự chú ý đến vấn đề. “8,6% hoạt động kinh tế trên toàn cầu là tuần hoàn”, Thư ký điều hành UNECE Olga Algayerova phát biểu tại phiên họp lần thứ 69 của UNECE hồi đầu năm 2021 đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng để khu vực này đạt tỷ lệ tuần hoàn hai con số vào năm 2023.
Tuy nhiên, dưới một con số tiêu đề như vậy là một mảng dữ liệu quá lớn. Cần biết về các mô hình khai thác nguyên liệu thô; phá rừng và phục hồi rừng; sử dụng năng lượng hiệu quả; xu hướng tái chế; khối lượng chất thải; số lượng “việc làm xanh”; khả năng truy xuất nguồn gốc của chuỗi cung ứng; giá trị kinh tế của các dòng tài nguyên và năng lượng; và nhiều, nhiều hơn nữa.
Như đã nêu bật trong Đối thoại chính sách Khu vực cấp cao về chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn vào tháng 10, quá trình chuyển đổi không chỉ là bảo vệ môi trường, quản lý chất thải và nguyên liệu mà còn là đổi mới và cơ hội. Do đó, số liệu thống kê là cần thiết cho các chủ đề trừu tượng hơn như đầu tư vào đổi mới.
Để đáp ứng nhu cầu này, UNECE và Cơ quan Thống kê Canada đã quy tụ khoảng 170 nhà thống kê, nhà kinh tế và các chuyên gia khác vào ngày 14 tháng 12 năm 2021 tại Hội thảo “Đo lường nền kinh tế tuần hoàn: Số liệu thống kê chúng ta cần và cách đạt được chúng”.
Các ví dụ quốc gia do Canada, Colombia và Hà Lan trình bày đã minh họa cho các mục tiêu chính sách thường đầy tham vọng. Ví dụ, thành phố Toronto đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là làm việc hướng tới không có rác thải và một nền kinh tế tuần hoàn toàn diện.
Công ty Royal DSM của Hà Lan đã trình bày 5 động lực tuần hoàn giúp họ không chỉ tăng hiệu quả trong sản xuất mà còn hạn chế việc sử dụng các nguồn tài nguyên nguyên sinh và thải chất thải và các chất độc hại khác ra môi trường. Các yếu tố thúc đẩy tuần hoàn tập trung vào giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên quan trọng; thay thế các nguồn tài nguyên khan hiếm và có khả năng gây hại, kéo dài tuổi thọ của sản phẩm; thiết kế sản phẩm để có thể tái chế và thu hồi các dòng chất thải.
Việc đo lường các dòng vật chất và các hiện tượng kinh tế tuần hoàn khác ở các cấp độ khác nhau (ví dụ cấp công ty, cấp thành phố, cấp quốc gia) một cách thống nhất vẫn là một thách thức. Thống kê Canada và Eurostat đã trình bày cách Hệ thống tài khoản kinh tế – môi trường (SEEA), một tiêu chuẩn thống kê toàn cầu, có thể cung cấp một nền tảng thống kê tốt để đo lường các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế tuần hoàn bằng cách tích hợp thống kê kinh tế và môi trường một cách hài hòa.
Một hội nghị bàn tròn với đại diện của Thống kê Hà Lan, UNEP, nền tảng thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn (PACE), Đại học Liên hợp quốc và công ty tư vấn Midsummer Analytics đã kết luận rằng số liệu thống kê hiện tại cần được xem xét lại theo một số cách để trở nên tốt hơn cho việc đo lường nền kinh tế tuần hoàn. Ví dụ, các chương trình thống kê kinh doanh thường không tập trung vào đo lường lĩnh vực sửa chữa, bởi vì lĩnh vực này đã không quan trọng trong những thập kỷ qua. Do đó, cần phải sửa đổi các cuộc điều tra kinh doanh để đưa ra các số liệu thống kê tốt hơn về khía cạnh quan trọng đó của nền kinh tế tuần hoàn. Mức độ chi tiết của thông tin rất quan trọng, ví dụ nhiều quyết định được đưa ra ở cấp công ty hoặc cấp thành phố. Việc tạo lập mối liên hệ giữa cấp vi mô và cấp vĩ mô là chìa khóa.
Ngay cả khi có sự tiến bộ ở nhiều quốc gia trong việc đo lường mức độ tuần hoàn vẫn còn một số câu hỏi thách thức. Một nhóm chuyên trách của Hội nghị thống kê châu Âu của UNECE được thành lập vào đầu năm 2021 đang giải quyết câu hỏi làm thế nào để xác định tính tuần hoàn theo quan điểm đo lường để có thể tạo ra các chỉ số chuẩn hóa, có thể so sánh.
Thư ký điều hành, bà Olga Algayerova nhấn mạnh: Nhóm chuyên trách UNECE về đo lường kinh tế là một đóng góp cụ thể cho nỗ lực này, tập hợp các chuyên gia từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế để xây dựng các hướng dẫn thống kê. Nhóm chuyên trách này đi đầu trong các sáng kiến toàn cầu nhằm hỗ trợ việc sản xuất số liệu thống kê phù hợp với mục đích quản lý và đo lường tốt hơn lĩnh vực chính sách quan trọng.
Phạm Hạnh (dịch)
Nguồn: https://unece.org/media/Circular-Economy/press/363586