UNECE xuất bản hướng dẫn đo lường giá trị kinh tế của giáo dục và đào tạo
Giáo dục mang lại nhiều lợi ích, trong đó có lợi ích kinh tế: kiến thức và năng lực mà sinh viên và thực tập sinh có được cho phép họ đóng góp một cách hiệu quả, với các kỹ năng tiên tiến cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế hiện đại của chúng ta dựa vào các dịch vụ và công nghệ chuyên biệt. Vai trò thiết yếu của giáo dục trong việc xây dựng các xã hội vững mạnh được ghi nhận bởi nó được đưa vào xuyên suốt các Mục tiêu Phát triển bền vững, đặc biệt là trong Mục tiêu 4 dành riêng cho giáo dục và đào tạo cho tất cả mọi người. Tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo đã được nhấn mạnh khi đại dịch Covid-19 đã dẫn đến việc đóng cửa các trường học, cao đẳng và đại học trên khắp thế giới.
Sự đóng góp của kiến thức và kỹ năng của con người đối với các nền kinh tế – được các nhà kinh tế gọi là vốn con người – là rất lớn và không thể phủ nhận, nhưng rất khó để định lượng. Nhưng chỉ bằng cách cố gắng định lượng nó, chúng ta mới có thể xác định liệu xã hội của chúng ta có đang đầu tư một cách khôn ngoan hay không; để xem liệu việc hoàn vốn có xứng đáng với các nguồn lực đã chi trả cho nỗ lực đắt giá trong việc giáo dục công dân của các quốc gia của chúng ta hay không. Như Chancellor of Exchequer (Bộ trưởng Tài chính) của Vương quốc Anh đã nói rằng “chúng tôi hiện đang hiểu nhiều hơn về sự hoàn vốn kinh tế từ việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng của chúng tôi hơn là về đầu tư vào con người” và cần có sự hiểu biết tinh vi hơn “để tương lai đầu tư có thể được nhắm mục tiêu tốt hơn”.
Sau khi xuất bản Hướng dẫn về Đo lường vốn con người của UNECE vào năm 2016, một số quốc gia đã cố gắng thực hiện điều này. Một nhóm đặc biệt gồm các chuyên gia quốc tế đã cùng nhau rút ra kinh nghiệm của các thử nghiệm thí điểm được thực hiện ở Na Uy, Anh, Canada, Israel và Belarus để phát triển hướng dẫn, bắt tay vào việc đo lường như vậy, có tính đến sự đa dạng rộng rãi giữa các quốc gia về hoàn cảnh kinh tế và tính sẵn có của dữ liệu. Các phát hiện và khuyến nghị của họ được trình bày trong Tài khoản Vệ tinh mới dành cho Giáo dục và Đào tạo: Hướng dẫn Biên soạn. Một đóng góp quan trọng của hướng dẫn này là giúp các quốc gia xây dựng các ước tính có thể so sánh được với quốc tế về chi tiêu của họ cho giáo dục và đào tạo và cách thức tài trợ các khoản này. Các khảo sát thử tiết lộ rằng việc biên soạn tài khoản vệ tinh phụ thuộc vào công việc phối hợp trên nhiều nhà biên soạn dữ liệu, bao gồm các chuyên gia sản xuất tài khoản quốc gia, thống kê về chi tiêu của chính phủ, khảo sát hộ gia đình, thống kê thương mại – dịch vụ và giáo dục, cũng như các chuyên gia phân tích.
Khảo sát thí điểm cho phép các quốc gia tham gia xác định nguồn dữ liệu nào phù hợp và nguồn dữ liệu nào cần được củng cố. Mặc dù dữ liệu về giáo dục chính thức được cung cấp rộng rãi, nhưng tất cả các khảo sát thí điểm đều chỉ ra những thách thức về tính sẵn có của dữ liệu để ước tính chi phí cho đào tạo không chính thức và tự nhiên, chẳng hạn như đào tạo tại chỗ và đào tạo trực tuyến. Đào tạo tại chỗ, do chính các doanh nghiệp cung cấp, có thể chiếm một phần đáng kể trong tổng chi tiêu cho giáo dục và đào tạo: các khảo sát thí điểm cho thấy rằng đóng góp dao động từ 1% ở Israel và Belarus đến 20% ở Canada. Một hướng đi quan trọng cho công việc sau này là phát triển các nguồn dữ liệu đáng tin cậy và các phương pháp để ước tính.
Nỗ lực quốc tế nhằm cải thiện các phương pháp thống kê để đo lường giáo dục và đào tạo phù hợp với nỗ lực toàn cầu rộng lớn hơn nhằm cập nhật Hệ thống Tài khoản Quốc gia – bộ tiêu chuẩn được sử dụng trên toàn thế giới để đo lường hiệu quả kinh tế. Các Cơ quan Thống kê Quốc gia và các Tổ chức quốc tế đang làm việc cùng nhau để tìm cách mở rộng các thước đo truyền thống của nền kinh tế sang các lĩnh vực như sức khỏe và tính bền vững, bao gồm y tế, giáo dục và vốn con người, những thứ ngày càng được coi là quan trọng nhưng lại đặt ra những thách thức đáng kể cho việc đo lường.
Đỗ Ngát (lược dịch)