Mặt bằng giá cả trên thị trường thế giới 8 tháng của năm nay tăng khá cao, đặc biệt tại các nền kinh tế lớn, vì sao tốc độ tăng CPI của Việt Nam vẫn thấp nhất kể từ năm 2016
Câu hỏi: (PV Mạnh Bôn (Thực hiện) Báo đầu tư) Mặt bằng giá cả trên thị trường thế giới 8 tháng của năm nay tăng khá cao, đặc biệt tại các nền kinh tế lớn, theo ông, vì sao tốc độ tăng CPI của Việt Nam vẫn thấp nhất kể từ năm 2016. Đây có phải hiện tượng bất thường? (Nguồn: https://baodautu.vn/da-den-luc-xay-dung-nguong-lam-phat-thay-chi-tieu-lam-phat-d150579.html)
Trả lời:
Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, thì CPI 8 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,79%, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Như vậy, tốc độ tăng CPI của Việt Nam chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 so với nhiều nước khác.
Trước hết, phải khẳng định, CPI của Việt Nam thấp hơn thế giới rất nhiều không có gì là bất thường, vì tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm nay thấp hơn dự kiến và thấp hơn nhiều nước trên thế giới, nên cả cầu đầu tư và tiêu dùng tăng chậm.
Trong tháng 7 và tháng 8, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đổ bộ vào Việt Nam, gây ra tác động tiêu cực chưa từng có, nên tốc độ tăng trưởng quý III và 9 tháng của năm cũng sẽ thấp hơn dự báo hồi đầu năm, thậm chí thấp hơn cả dự báo đã được điều chỉnh giảm vào đầu quý III. Điều này không khó để dự báo vì vốn đầu tư công thay vì tăng như mọi năm, 8 tháng của năm nay giảm 0,4%; tiêu dùng nội địa giảm 4,7%; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã giảm dần trong mấy tháng qua, đặc biệt là tháng 8 giảm 6% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2020, khiến kim ngạch xuất khẩu 8 tháng của năm chỉ tăng 21,2%, thay vì tăng 25,5% trong 7 tháng của năm, hay tăng 28,4% trong 6 tháng đầu năm.
Tăng trưởng của cả 3 động lực là đầu tư công, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đều giảm, khiến tốc độ tăng trưởng GDP quý III và 9 tháng của năm nay thấp hơn dự kiến, nên CPI thấp không có gì là bất thường.