Mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% đang là một thách thức rất lớn trong bối cảnh giá nguyên, nhiêu vật liệu thế giới vẫn tăng cao
Câu hỏi: Thưa ông, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% đang là một thách thức rất lớn trong bối cảnh giá nguyên, nhiêu vật liệu thế giới vẫn tăng cao, chúng ta có nên điều chỉnh mục tiêu lạm phát năm 2022? (Nguồn: https://www.vietnamplus.vn)
Trả lời:
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm
Năm 2020, dịch COVID-19 đã trở thành “kẻ sát thủ vô hình,” tàn phá ghê gớm kinh tế thế giới, đẩy nền kinh tế toàn cầu vào đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai với mức tăng trưởng âm 3,1%. Phần lớn các nền kinh tế đều tăng trưởng âm, ngoại trừ Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam.
Năm 2020, lạm phát thế giới tiếp tục ở mức thấp. Tại các nền kinh tế phát triển, lạm phát dưới ngưỡng mục tiêu 2%, thậm chí có những tháng chỉ số giá tiêu dùng ở trạng thái giảm phát, kéo dài liên tục trong một vài tháng như trường hợp của khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản. Trong khi đó, diễn biến lạm phát tại hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi giảm mạnh trong giai đoạn đầu của đại dịch và đạt ở mức thấp so với dữ liệu trong lịch sử.
Năm 2021, do đứt gãy chuỗi cung ứng, biến thể Delta, khủng hoảng năng lượng, cung tiền nhiều trên thị trường, quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới đã khiến giá cả hàng hóa leo thang, lạm phát toàn cầu tăng cao với tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế thế giới năm 2021 ở mức 4,3%, vượt trội so với mức lạm phát trung bình 3,2% trong giai đoạn 2015-2020 và thế giới tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn do lạm phát bùng phát trong năm 2022.
Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam đến từ lạm phát chuỗi cung ứng; giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới tăng cao và tổng cầu trong nước tăng đột biến.
Bên cạnh đó, khủng hoảng Nga-Ukraine chưa có hồi kết càng làm trầm trọng thêm sự đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá nguyên, nhiên vật liệu và lạm phát thế giới tăng cao, lập kỷ lục trong mấy thập kỷ gần đây.
Trong nước, dự báo giá lương thực, thực phẩm, giá dịch vụ giáo dục; giá nhiên liệu, năng lượng tăng trong những tháng cuối năm. Vì vậy, dự báo lạm phát năm 2022 của nền kinh tế Việt Nam trong khoảng 4-4,5%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra nhưng là mức thấp trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao.
Theo tôi, chúng ta không nên điều chỉnh mục tiêu lạm phát của năm 2022 vì các cân đối vĩ mô, chỉ tiêu kế hoạch, chính sách và giải pháp đều xây dựng trên cơ sở mục tiêu lạm phát khoảng 4%. Nếu điều chỉnh mục tiêu lạm phát sẽ gây xáo trộn không cần thiết và gây tâm lý chủ quan, giảm tính chủ động, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành kiểm soát lạm phát…
Tuy vậy, Chính phủ nên có kịch bản vĩ mô với lạm phát của nền kinh tế năm 2022 ở mức 4,5% và 5% để chủ động giải pháp điều hành nền kinh tế và điều chỉnh dự toán ngân sách, kế hoạch đầu tư công.
Tăng trưởng, việc làm và lạm phát luôn là vấn đề quan tâm của Chính phủ, các nhà kinh tế và người dân. Trong bối cảnh năm 2022, kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao, nếu kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng khoảng 6% và lạm phát trong khoảng 4-4,5% là một thành công, đặc biệt vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao, tin tưởng tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam đầy tiềm năng.