Cụ thể xăng dầu và điện tăng giá tác động lên CPI tháng 4 và tháng 5 thế nào?
Câu hỏi: (PV Mạnh Bôn – Báo đầu tư) Theo bà, cụ thể xăng dầu và điện tăng giá tác động lên CPI tháng 4 và tháng 5 thế nào?
Trả lời:
(Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê)
Đầu tháng 3 (ngày 2/3) giá xăng dầu tăng khoảng 1.000 đồng/lít, nhưng CPI tháng 3 vẫn giảm 0,21% so với tháng 2 và CPI bình quân quý I chỉ tăng 2,63% – là mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây và là một trong 3 năm CPI quý I tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, do giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ giảm, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm giảm mạnh.
Trong tháng 4 và tháng 5, giá thực phẩm vẫn tiếp tục giảm do ảnh hưởng bởi giá thịt lợn. Vì vậy, dù giá xăng dầu và giá điện tăng cộng với việc người dân được nghỉ lễ Giỗ tổ và 30/4-1/5, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đặc biệt là nhu cầu đi du lịch, nhưng CPI tháng 4, tháng 5 cũng như CPI bình quân 4 tháng và 5 tháng đầu năm cũng sẽ không tăng quá cao.
Còn một lý do nữa để đưa ra nhận định trên là trong tháng 4 và tháng 5/2018, có tới 4 lần tăng giá bán lẻ xăng dầu đã khiến CPI tháng 5/2018 tăng cao nhất kể từ năm 2013 và CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 3,01%. CPI so sánh với cùng kỳ năm trước, mặt bằng CPI tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018 khá cao, nên CPI tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019 không thể tăng cao được.