Đề xuất giải pháp gì để Việt Nam đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 và các năm tiếp theo
Câu hỏi: (PV Thúy Hiền (Thực hiện) BNEWS/TTXVN) Năm 2022, dự báo tổng cầu của thế giới vẫn ở mức cao, lạm phát cao hơn năm 2021. Dự báo kinh tế Việt Nam cũng sẽ chịu áp lực rất lớn về lạm phát, đặc biệt lạm phát chi phí đẩy. Vậy, ông có đề xuất giải pháp gì để Việt Nam đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 và các năm tiếp theo? (Nguồn: https://bnews.vn/dut-gay-chuoi-san-xuat-va-cung-ung-se-gay-nen-suc-ep-lam-phat-cao-trong-nam-2022/209574.html)
Trả lời:
Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Theo tôi, trước hết, Chính phủ cần xác định mục tiêu lạm phát năm 2022 phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế – xã hội trong nước; ưu tiên phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng sau khi khống chế và kiểm soát thành công làn sóng thứ tư dịch COVID-19.
Trước tiên, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần xem xét triển khai tiêm vaccine cho lực lượng lao động khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Từ đó, giúp hai khu vực sản xuất quan trọng này của nền kinh tế sớm quay lại sản xuất kinh doanh, cung cấp hàng hoá cho nền kinh tế.
Đồng thời, đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine cho toàn dân để đạt tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất, tạo cơ sở quan trọng đưa nền kinh tế trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới.
Cùng với đó, Chinh phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; rà soát bãi bỏ các khoản chi phí không hợp lý để cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.
Bên cạnh đó, kết hợp hài hoà giữa chính sách tài khoá và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn, sớm trở lại sản xuất kinh doanh; sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không nên quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng. Bởi, hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho doanh nghiệp dễ dẫn tới rủi do cho hệ thống ngân hàng và gia tăng lạm phát.
Đồng thời, Chính phủ có giải pháp tối ưu hoá, minh bạch và đơn giản hoá quy trình thương mại; tạo dựng hạ tầng giao thông và quản trị hiệu quả hơn; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin. Chính phủ có giải pháp thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hoá Việt trên thị trường thế giới.
Chính phủ cũng chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có chính sách và giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhập khẩu kịp thời nguyên vật liệu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cần theo dõi chặt diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước; thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá của Nhà nước như xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục. Đồng thời, nghiên cứu thời điểm, mức độ điều chỉnh giá xăng dầu, dịch vụ do nhà nước quản lý tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.
Lạm phát, tăng trưởng và việc làm là những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, nhạy cảm phản ánh thay đổi thu nhập và mức sống của người dân, sự thịnh vượng của một quốc gia, luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và bất định do hệ luỵ của dịch COVID-19 gây ra, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô cần chủ động, linh hoạt trong xác định mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của từng năm phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và khu vực, điều chỉnh một số mục tiêu ngắn hạn để đạt được mục tiêu tổng thể trung hạn.