Hiện nay giá cả hàng hóa dịch vụ có xu hướng tăng cao gây áp lực đến khả năng kiềm chế lạm phát ra sao? Dự báo xu hướng lạm phát 6 tháng cuối năm 2018 sẽ như thế nào?
Câu hỏi: (PV Thúy Hiền – Thông tấn xã VN) Hiện nay giá cả hàng hóa dịch vụ có xu hướng tăng cao gây áp lực đến khả năng kiềm chế lạm phát ra sao? Dự báo xu hướng lạm phát 6 tháng cuối năm 2018 sẽ như thế nào? (Họp báo 6 tháng 2018)
Trả lời:
(Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ TK Giá, TCTK) Có 2 yếu tố tác động đến CPI 6 tháng đầu năm 2018: Đó là yếu tố điều hành và yếu tố thị trường và trong yếu tố thị trường chúng ta nhìn nhận ở 2 góc độ là giá xăng dầu và giá thực phẩm 6 tháng đầu năm có mức độ đóng góp khá lớn vào CPI nói chung. Dự báo 6 tháng cuối năm: Về yếu tố điều hành: Ngày 1/7/2018 tăng lương tối thiểu mức lương cơ sở tăng 90.000 đồng nó sẽ ảnh hưởng đến một số khu vực dịch vụ, đối với giá dịch vụ giáo dục sẽ theo lộ trình của Nghị định 86 năm 2015 tiếp tục tăng giá dịch vụ giáo dục vào tháng 9 còn dịch vụ y tế thì tháng 7 tới đây là yếu tố kiềm chế lạm phát theo Thông tư 15 có hiệu lực từ ngày 15 tháng 7 là điều chỉnh định mức tiêu hao vật tư của một số dịch vụ, theo đó một số dịch vụ y tế giá sẽ giảm cụ thể như: giá dịch vụ giường nằm giảm 17.300 đồng. Thuế bảo vệ môi trường xăng dầu Chính phủ trình Quốc hội đề nghị tăng thuế môi trường đối với giá xăng dầu. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê các tác động này vào CPI khoảng 0,27 – 0.29%. Nhóm thứ 2 tác động đến CPI 6 tháng cuối năm đó là yếu tố thị trường: Giá thực phẩm tiếp tục tăng đây là yếu tố rủi ro trong 6 tháng đầu năm. Như chúng ta đã biết giá thịt lợn trong 6 tháng đầu năm tăng rất cao, tăng 19,8% so với cuối năm trước nhưng tính bình quân cùng kỳ thì vẫn giảm. Tiêu dùng thực phẩm cuối năm cũng là yếu tố tác động đến CPI. Một yếu tố rủi ro chúng ta rất khó dự báo đó là giá xăng dầu. Một yếu tố rủi ro nữa đó là thiên tai ảnh hưởng rất lớn, đây là yếu tố tiềm ẩn.
Về xu hướng dự báo lạm phát 6 tháng cuối năm áp lực rất lớn. Tuy nhiên với sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Thủ tướng cũng như Ban chỉ đạo điều hành giá, trong đó có Đ/c Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng làm Trưởng ban. Hàng tháng đều phải có kịch bản, chúng tôi sau mỗi tháng đều phải rà lại xây dựng kịch bản từ đầu năm trên cơ sở cập nhật các yếu tố tình hình kinh tế trong nước và thế giới và đưa ra kịch bản từng tháng để tham mưu kịp thời cho Chính phủ. Với những chỉ đạo quyết liệt như vậy thì mức lạm phát dưới 4% năm 2018 chắc chắn sẽ đạt được.
Nhận định về chu kỳ kinh tế đối với lạm phát: Năm 2008 lạm phát tăng rất cao trên hai con số 23% tiếp tục năm 2011 lạm phát tăng 18,58% cũng là mức trên 2 con số. Ngay sau đó tháng 2 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị quyết kiềm chế lạm phát, từ đó đến nay kiềm chế lạm phát đã được quan tâm hơn. Các năm gần đây Chính phủ đã chủ động việc kiềm soát lạm phát nên chu kỳ lạm phát 10 năm trước sẽ không lặp lại.