Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực chính là động lực để tăng năng suất lao động của Việt Nam

Câu hỏi: (Nhà báo Mạnh Bôn-Báo đầu tư) Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, nhưng những năm vừa qua, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực chính là động lực để tăng năng suất lao động của Việt Nam?

Trả lời:

(Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, TCTK)

Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Việt Nam trong những năm qua là một thành tựu đáng ghi nhận, nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối về giá trị năng suất lao động so với các nước trong khu vực do xuất phát điểm năng suất lao động của Việt Nam thấp.

Không thể phủ nhận quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động tuy diễn ra khá nhanh, nhưng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn lớn. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 54,3 triệu người, trong đó, lao động làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, dù giảm 3,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chiếm 35,3% tổng số lao động trong toàn nền kinh tế.

Trong khi đó, lao động làm việc ở khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 28,9% (tăng 2,3 điểm phần trăm). Số lao động làm việc trong khu vực dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế, như tài chính, ngân hàng, du lịch…, có năng suất lao động cao mới chỉ chiếm 35,8% và chỉ tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018.

Năng suất lao động của khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ bằng 38,9% mức năng suất lao động chung của nền kinh tế; bằng 30,4% khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 33,7% các ngành dịch vụ, do đa số lao động trong khu vực này làm các công việc giản đơn, có tính thời vụ, không ổn định, nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến năng suất thấp, kéo toàn bộ năng suất lao động chung của toàn ngành kinh tế xuống.