Tác động của việc tăng giá điện, giá xăng dầu đến lạm phát trong năm nay thế nào? Chỉ số giá sản xuất hàng công nghiệp tăng 18,43%, thấp hơn chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất (21,27%) và chỉ số giá cước vận tải (18,52%) cho thấy điều gì?
Câu hỏi: Tác động của việc tăng giá điện, giá xăng dầu đến lạm phát trong năm nay như thế nào? Chỉ số giá bán người sản xuất hàng công nghiệp tăng 18,43%, thấp hơn chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất (21,27%) và chỉ số giá cước vận tải (18,52%). Tương quan này cho thấy điều gì? (Nguồn: https://vie.vass.gov.vn /tintuc/Pages/diem-nhan.aspx?ItemID=73)
Trả lời:
(Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá) Giá điện trong năm qua tăng 24,29%. Với tỷ trọng điện sinh hoạt chiếm 2,46% thì điện góp phần làm tăng CPI 0,6%. Điện tác động tăng CPI mấy vòng, chúng tôi tính tăng giá trực tiếp đến giá sinh hoạt thôi, còn qua sản xuất chúng tôi chưa tính. Thế còn xăng dầu năm vừa qua giá tăng 2 lần và giảm 2 lần, chúng tôi tính là giá xăng dầu tăng 30,27%. Với tỷ trọng xăng dầu hiện nay là 3,64% thì chúng tôi tính nó làm tăng CPI khoảng 1,1%.
Song hành với việc giá nhập khẩu hàng hóa tính bằng ngoại tệ tăng, tỷ giá trong nước được điều chỉnh tăng (9,3% từ ngày 11/2/2011) đã làm cho giá hàng nhập khẩu bị tăng kép. Hai nữa là hàng nguyên liệu nông lâm nghiệp cũng tăng cao tới 30,6%, cũng là tăng giá rất lớn; thực phẩm và đồ uống; than cũng tăng 27%; kim loại nhập khẩu tăng 19%; khí đốt tăng trên 27%… tất cả các nhóm này ảnh hưởng tổng chung lại chỉ số giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng 21,27%. Đúng là đầu vào tăng cao hơn hàng đầu ra là vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp trong năm 2011, sản phẩm đầu ra cũng tăng giá nhưng không kịp giá đầu vào.
(Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê) Quan hệ giá đầu vào cao hơn đầu ra sản xuất, một tín hiệu báo sản xuất sẽ rất khó khăn. Nhưng có một điểm là giá đầu ra của sản xuất công nghiệp thấp hơn giá đầu vào, nhưng ngược lại giá đầu ra của sản xuất nông nghiệp cao hơn hẳn và điều đó hoàn toàn phù hợp với điều kiện Việt Nam. Nước ta là nước nông nghiệp, sản xuất nông sản nhiều nên giá đầu ra sản xuất nông nghiệp cao có lợi cho người dân Việt Nam thôi, không có gì đáng phải hoang mang cả. Nếu giá nông nghiệp ngược lại thì với 70% người dân sống ở nông thôn mới là cái đáng lo.