Tăng năng suất lao động nội ngành làm sao được khi mà quy mô doanh nghiệp quá nhỏ; máy móc, dây chuyền, thiết bị, công nghệ lạc hậu; trình độ tổ chức, quản lý sản xuất thấp; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế
Câu hỏi: (Nhà báo Mạnh Bôn-Báo đầu tư) Thưa Ông, tăng năng suất lao động nội ngành làm sao được khi mà quy mô doanh nghiệp quá nhỏ; máy móc, dây chuyền, thiết bị, công nghệ lạc hậu; trình độ tổ chức, quản lý sản xuất thấp; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế…?
Trả lời:
(Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, TCTK)
Đây thực sự là một thách thức trong phát triển kinh tế nói chung, cũng như tăng năng suất lao động nói riêng, vì đối với một quốc gia, tăng trưởng GDP nếu chỉ dựa trên tăng việc làm giản đơn, trình độ công nghệ và tay nghề lao động thấp, thì thường không cao và thiếu bền vững.
Tự do hóa thương mại và cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội để Việt Nam thu hẹp khoảng cách năng suất lao động với các nước, nhưng cũng đưa đến nguy cơ “dễ bị bỏ lại xa hơn” so với các quốc gia trên thế giới, nếu không có định hướng phát triển đúng và giải pháp hiệu quả.
Tôi cho rằng, muốn tăng năng suất lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay vì kinh tế tăng trưởng phụ thuộc vào thâm dụng lao động, vốn, tài nguyên, trước mắt, Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia, trong đó thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã thực hiện.
Ngoài ra, xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn; phát động phong trào tăng năng suất trong tất cả các khu vực của nền kinh tế, trong đó chọn một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như may mặc, sản xuất máy móc thiết bị, điện tử… và một số địa phương thực hiện thí điểm, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế.
Đi kèm với các chính sách trên, Việt Nam phải tiếp tục ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất – kinh doanh; đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của các chính sách đổi mới, tạo môi trường chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp nhằm tăng năng suất lao động với các sản phẩm mới, công nghệ cao; có giải pháp khuyến khích doanh nghiệp sắp xếp lại để có quy mô lao động tối ưu (từ 100 đến 299 lao động/doanh nghiệp) nhằm đạt được năng suất lao động cao nhất.
Bên cạnh đó, Việt Nam phải tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế, tín dụng… với doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ cao, hiện đại; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; khuyến khích, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đội ngũ doanh nhân…