Chính phủ có chính sách phát triển ngành Thống kê để đảm bảo các con số thống kê phản ánh khoa học, đúng tình hình thực tế, phù hợp để phát triển đất nước
Câu hỏi: Đề nghị Chính phủ có chính sách phát triển ngành Thống kê để đảm bảo các con số thống kê phản ánh khoa học, đúng tình hình thực tế, giúp Đảng, Nhà nước hoạch định các chủ trương, chính sách phù hợp để phát triển đất nước. (Kiến nghị của Cử tri kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XII ngày 20 tháng 6 năm 2011)
Trả lời:
(Tổng cục Thống kê) Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của thông tin thống kê trong việc hoạch định các chủ trương, đường lối, chính sách và giám sát, đánh giá quá trình thực hiện chính sách phát triển đất nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm và có các chính sách và giải pháp phát triển ngành Thống kê phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Các chính sách và giải pháp của Chính phủ tập trung vào các vấn đề chính sau đây:
1. Xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức thống kê Nhà nước: Ngay sau khi giành được độc lập, ngày 06/05/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê Việt Nam, thuộc Bộ Quốc dân Kinh tế. Trong quá trình phát triển của cách mạnh nước ta, xác định vài trò, nhiệm vụ quan trọng của công tác thống kê trong giai đoạn cách mạng mới – xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày 20 tháng 2 năm 1956, Thủ tướng chính phủ đã ra Quyết định số 695/QĐ-TTg ban hành Điều lệ về tổ chức Cục Thống kê Trung ương, các cơ quan thống kê địa phương và tổ chức thống kê tại các Bộ, ngành.
Trong quá trình phát triển của ngành Thống kê, để phù hợp với cơ cấu tổ chức của Chính phủ trong từng thời kỳ, Thủ tướng chính phủ đã ban hành các Nghị định, Quyết định qui định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của ngành Thống kê nhằm nâng cao vị trí, vai trò của Tổng cục Thống kê. Ngày 24 tháng 8 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TCTK trực thuộc Bộ KH&ĐT. Trong Quyết định này, các Phòng Thống kê cấp huyện, quận thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được nâng cấp thành Chi cục Thống kê cấp huyện, quận có tư cách pháp nhân, có con dấu, mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước cùng cấp đã tăng cường tính hiệu lực và hiệ quả của hệ thống quản lý nhà nước ở các cấp của ngành Thống kê.
Cùng với củng cố Hệ thống tổ chức thống kê tập trung, ngày 13 tháng 1 năm 2010. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2010/NĐ-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức thống kê Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Nghị định số 03 /2010/NĐ-CP cùng với Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24/8/2010 của thủ tướng Chính phủ đã hoàn thiện Hệ thống thống kê Nhà nước bảo thông suốt, hiệu quả.
2. Tạo dựng môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê: Cùng với xây dựng và củng cố Hệ thống thống kê Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm và chỉ đạo xây dựng môi trường pháp lý cho công tác thống kê như: Pháp lệnh Kế toán và Thống kê được ban hành ngày 10/5/1958; Luật Thống kê được Quốc hội thông qua 17/6/2003 và có hiệu từ ngày 01/01/2004; Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày/13/02/2004 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê; Nghị định số 14/2005/NĐ-CP ngày 04/02/2005 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thống kê; Chỉ thị số 28/1998/CT-TTg ngày 19/08/2008 về tăng cường và hiện đại hoá công tác thống kê…
3. Quản lý, chỉ đạo về nghiệp vụ thống kê: Để phù hợp với những thay đổi của nền kinh tế và đảm bảo hoạt động thống kê phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời ngành Thống kê nghiên cứu và đổi mới về nghiệp vụ chuyên môn thống kê. Ngay từ năm 1992 để phục vụ cho công cuộc đổi mới kinh tế, Chính phủ đã ra Quyết định số 183/1992/QĐ-TTg ngày 25/12/1992 về việc chính thức áp dụng Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) của Thống kê Liên Hợp Quốc, phù hợp với nền kinh tế thị trường thay cho Hệ thống bảng cân đối kinh tế quốc dân (MPS), phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Trong hoạt động thu thập thông tin, Chính phủ đã ra Quyết định số 144/2008/QĐ-TTg ngày 29/10/2008 về ban hành chương trình điều tra quốc gia; Quyết định số 111/2008/QĐ –TTg ngày 15/8/2008 về ban hành chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với bộ, ngành; Quyết định số 07/2007/QĐ-TTg ngày 23/1/2007 về ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.v.v.
4. Định hướng phát triển thống kê Việt Nam đến năm 2010: Để ngành Thống kê phát triển một cách bài bản, có lộ trình và bước đi vững chắc, ngày 21 tháng 10 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 141/2002/QĐ-TTg ngày 21/10/2002 về phê duyệt Định hướng phát triển thống kê Việt Nam đến năm 2010 với mục tiêu là “Thống kê Việt Nam đổi mới cả về nội dung và hình thức nhằm cung cấp kịp thời thông tin kinh tế – xã hội đầy đủ về nội dung, toàn diện về phạm vi, tin cậy về chất lượng nhằm phục vụ tốt yêu cầu của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đáp ứng ngày càng đầy đủ, thuận lợi nhu cầu sử dụng thông tin của các đối tượng khác; đưa thống kê Việt Nam đạt trình độ thống kê tiên tiến của các nước trong khu vực và phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần tích cực vào việc thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước”. Trong năm 2010 Tổng cục Thống kê đã có báo cáo đánh giá việc thực hiện Định hướng phát triển thống kê nói trên làm cơ sở xây dựng Chiến lược phát triển thống kê nước ta trong giai đoạn mới.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta trong giai đoạn 2011-2020 và các năm tiếp theo, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) xây dựng Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê. Ngày 02 tháng 3 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 312/2010/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê với mục tiêu là “Đổi mới và áp dụng đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê, hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia thống nhất, thông suốt và hiệu quả, phù hợp với thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế, nhằm cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các thông tin thống kê đáp ứng yêu cầu phân tích, đánh giá tình hình kinh tế – xã hội phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, nhà nước; công tác xây dựng chiến lược, qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, của các Bộ, ngành và địa phương và của tổ chức, cá nhân”. Một trong các kết quả quan trọng của Đề án là đã ban hành đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê, gồm: Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia với 350 chỉ tiêu (Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/06/2010); hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành; hệ thống chỉ tiêu thống kê tỉnh, huyện, xã
5. Xây dựng Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2025: Trong Quyết định số 312/2010/QĐ-TTg ngày 02/3/2010 phê duyệt Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) xây dựng Chiến lược phát triển thống kê Việt nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2025, hienẹ nay Tổng cục Thống kê đang soạn thảo và sẽ trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 6/2011 với Mục tiêu tổng quát là “Đến năm 2020, Thống kê Việt Nam phát triển nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm sản xuất và cung cấp thông tin thống kê đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng tốt nhất yêu cầu quản lý, hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Nhà nước và nhu cầu thông tin thống kê ngày càng tăng của các đối tượng sử dụng; đưa TKVN lên vị thế cao hơn trong cộng đồng thống kê quốc tế” và 9 giải pháp thực hiện để đạt được mục tiêu của chiến lược.
Với các chính sách cụ thể nói trên, ngành Thống kê đã không ngừng được củng cố về tổ chức, đã tạo dựng được khuôn khổ pháp lý khá đồng bộ cho các hoạt động thống kê phát triển và nghiệp vụ thống kê ngày càng hoàn thiện theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Ngành Thống kê đã cung cấp thông tin thống kê ngày càng kịp thời hơn, chính xác, đầy đủ, khách quan và minh bạch phục vụ Đảng, Nhà nước trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Số liệu thống kê do hệ thống thống kê nhà nước công bố là số liệu thống kê chính thức, có giá trị pháp lý và đã được sử dụng nhiều trong các báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của Chính phủ, các văn kiện của Đảng, chính sách của Nhà nước các cấp, ngành và báo cáo của các tổ chức quốc tế. Chẳng hạn như Báo cáo quốc gia về thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ năm 2010 do Chính phủ thực hiện (8/2010) đã được quốc tế đánh giá cao, trong đó có đóng góp của ngành Thống kê.