TÌNH HÌNH KINH TẾ-XÃ HỘI THÁNG 8 VÀ 8 THÁNG NĂM 2021

Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp, đặc biệt là các tỉnh phía Nam đã khiến cho tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm gặp không ít khó khăn.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 5,6% so với 8 tháng năm 2020,  mặc dù cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 24 nghìn doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước tháng Tám giảm 7,1% so với tháng Bảy, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài tính đến 20/8/2021 đăng ký cấp mới giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng số vốn đăng ký tăng 16,3%. Vốn đăng ký cấp mới bình quân 1 dự án trong 8 tháng năm 2021 đạt 10 triệu USD/dự án (cùng kỳ năm 2020 đạt 5,4 triệu USD/dự án).

Hoạt động thương mại, vận tải và du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước. Vận tải hành khách tháng Tám giảm 35,9% về lượng hành khách vận chuyển và giảm 37,1% về lượng hành khách luân chuyển so với tháng trước; vận tải hàng hóa giảm 11% về sản lượng vận chuyển và giảm 8,6% về sản lượng luân chuyển. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8/2021 đạt 9,3 nghìn lượt người, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên xuất khẩu 8 tháng vẫn có điểm sáng, đó là nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 2,29 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 189,28 tỷ USD, tăng 22,5%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 15,4 tỷ USD, tăng 14,9%. Nhóm hàng thủy sản đạt 5,58 tỷ USD, tăng 7,1%. Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 32,7 tỷ USD, tăng 19,8%. Thị trường EU đạt 26,1 tỷ USD, tăng 14,5%. Thị trường ASEAN đạt 18,4 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 13,9 tỷ USD, tăng 9,9%. Nhật Bản đạt 13,5 tỷ USD, tăng 8,6%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng Tám ước tính nhập siêu 1,3 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 3,71 tỷ USD[7] (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,69 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,65 tỷ USD.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng Tám diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển. Các địa phương trên cả nước tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa; thu hoạch lúa, hoa màu vụ hè thu đồng thời xuống giống lúa vụ thu đông. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Giá lương thực, thực phẩm tăng chủ yếu tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 8 tháng tăng 0,9%.

Công tác an sinh xã hội đặc biệt được quan tâm trong bối cảnh đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh việc tích cực triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo đời sống cho người dân thông qua các các văn bản như: Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 về các giải pháp cấp bách, phòng chống dịch Covid-19; Quyết định số 1409/QĐ-TTg ngày 16/8/2021, chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp 4.117,8 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Bình Phước, Bạc Liêu, Sóc Trăng; Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 20/8/2021, xuất cấp 130,2 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân 24 tỉnh, thành phố gặp khó khăn do Covid-19. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19, ngoài việc thực hiện các chỉ đạo của Chỉnh phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngân sách địa phương đã trích 1.791 tỷ đồng và nhận hỗ trợ từ Bộ Thông tin và truyền thông gói hỗ trợ “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương” hỗ trợ thêm cho người dân trong mùa dịch. Dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, số ca mắc mới tăng nhanh, đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Nam. Tính đến sáng ngày 28/8/2021, Việt Nam có 410.366 trường hợp mắc, trong đó 198.614 trường hợp đã được chữa khỏi và 10.053 trường hợp tử vong. Có 8 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum.

Chi tiết báo cáo kèm theo:

Tải tài liệu đính kèm

File File size Downloads
pdf Bao cao KTXH T8 590 KB 1581