Ứng dụng của 7 công cụ thống kê trong vấn đề sản xuất

Một trong các nguyên tắc của quản lý hiện đại là các quyết định phải dựa trên dựa trên sự kiện, dữ liệu, không được quyết định dựa trên cảm tính. Muốn vậy cần phải thu thập, thống kê, phân tích các dữ liệu riêng lẻ thành những thông tin, sự kiện thể hiện bản chất của vấn đề, từ đó sẽ có cách giải quyết nó.
7 công cụ thống kê (seven tools) đã được người Nhật lựa chọn và ứng dụng rất thành công từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II. Từ đó việc áp dụng chúng càng rộng rãi và phổ biến trên toàn thế giới từ cải tiến công nghệ, thay thế nguyên liệu đến kiểm soát chất lượng.

Tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, việc áp dụng các công cụ thống kê trong kiểm soát chất lượng rất hạn chế hoặc không biết áp dụng. Sử dụng một hoặc nhiều trong số 7 công cụ, mỗi doanh nghiệp có thể phân tích các yếu tố trong quá trình để xác định vấn đề. Giá trị của các công cụ thống kê ở chỗ, nó đem lại những công cụ đơn giản nhưng hữu hiệu. Chúng có thể được sử dụng một cách độc lập hoặc kết hợp để xác định chính xác những điểm bất thường, các điểm thiếu kiểm soát và giảm thiểu những tác động của chúng trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Tóm lại, việc sử dụng các công cụ thống kê trong kiểm soát chất lượng đảm bảo cho việc quản lý chất lượng có căn cứ thực tế và khoa học khi ra quyết định. Sử dụng các công cụ thống kế giúp giải thích được tình hình quản lý chất lượng một cách đúng đắn, phát hiện kịp thời các nguyên nhân gây lỗi để có biện pháp điều chỉnh thích hợp.

Chính nhờ những hiệu quả của chúng nên việc sử dụng 7 công cụ thống kê trong kiểm soát chất lượng trở thành một nội dung không thể thiếu trong quản lý chất lượng của mỗi doanh nghiệp, 7 công cụ đề cập ở đây bao gồm:

  1. Phiếu kiểm tra (Check sheet): được sử dụng cho việc thu thập dữ liệu. Dữ liệu thu được từ phiếu kiểm tra là đầu vào cho các công cụ phân tích dữ liệu khác, do đó đây bước quan trọng quyết định hiệu quả sử dụng của các công cụ khác.
  2. Biểu đồ Pareto (Pareto chart): sử dụng các cột để minh họa các hiện tượng và nguyên nhân ảnh hưởng có tính đến tầm quan trọng của chúng đối với sản phẩm. Sử dụng biểu đồ này giúp cho quản lý biết được những nguyên nhân cần phải tập trung xử lý.
  3. Biểu đồ nhân quả (Cause-effect diagram): giúp liệt kê những nguyên nhân có thể có dẫn đến kết quả, từ đó giúp ra nguyên nhân của một vấn đề.
  4. Biểu đồ phân bố (Histogram): là một dạng của đồ thị cột trong đó các yếu tố biến động hay các dữ liệu đặc thù được chia thành các lớp hoặc thành các phần và được diễn tả như các cột với khoảng cách lớp được biểu thị qua đường đáy và tần suất biểu thị qua chiều cao. Biểu đồ dạng này được sử dụng để theo dõi sự phân bố thô của sản phẩm/quá trình, từ đó đánh giá được năng lực của quá trình đó, giúp phòng ngừa trước khi các vấn đề đó sảy ra.
  5. Biểu đồ kiểm soát (Control chart): là biểu đồ với các đường giới hạn đã được tính toán bằng phương pháp thống kê được sử dụng nhằm mục đích theo dõi sự biến động của các thông số về đặc tính chất lượng của sản phẩm, theo dõi những thay đổi của quy trình để kiểm soát tất cả các dấu hiệu bất thường xảy ra khi có dấu hiệu đi lên hoặc đi xuống của biểu đồ.
  6. Biểu đồ phân tán (Scatter diagram): Biểu đồ phân tán chỉ ra mối quan hệ giữa 2 biến trong phân tích bằng số, để giải quyết các vấn đề và xác định điều kiện tối ưu bằng cách phân tícḥ lượng mối quan hệ nhân quả giữa các biến số.
  7. Phương pháp phân vùng (Stratified diagram): Phân vùng thông thường để tìm ra nguyên nhân của khuyết tật.

Trong bối cảnh môi trường kinh tế cạnh tranh gay gắt hiện nay, bên cạnh việc đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chú trọng ứng dụng các công cụ quản lý để cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì đây là những công cụ hữu hiệu, đã được các doanh nghiệp của các nước phát triển như Nhật Bản Hàn Quốc, Mỹ … áp dụng và gặt hái được những thành công vượt trội về năng suất chất lượng.

HTH (st)

Nguồn: http://pms.edu.vn/ung-dung-cua-7-cong-cu-thong-ke-trong-van-de-san-xuat.html