Tổng cục Thống kê đã từng nhìn nhận lạm phát là biểu hiện của việc tiền nhiều hơn hàng. Xin giải thích rõ vì sao trong khi tăng tổng phương tiện thanh toán được công bố là 10%, tín dụng 12% nhưng lạm phát vẫn cao tới 18,13%?

Câu hỏi: Tổng cục Thống kê đã từng nhìn nhận lạm phát là biểu hiện của việc tiền nhiều hơn hàng. Xin giải thích rõ vì sao trong khi tăng tổng phương tiện thanh toán được công bố là 10%, tín dụng 12% nhưng lạm phát vẫn cao tới 18,13%? (Nguồn: https://vie.vass.gov.vn/tintuc/Pages/diem-nhan.aspx?ItemID=73)

Trả lời:

(Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê) Không có gì khó hiểu cả, bởi vì chúng ta có nói tiền của chúng ta hiện nay là bao nhiêu đâu so với tổng GDP. Tiền chúng ta tích lũy nhiều năm rồi, nhiều năm tín dụng, M2 tăng cao rồi, lượng tiền trong dân, tiền mặt, tiền gửi lớn hơn tổng GDP làm ra. Trong điều kiện ấy, giá tăng, CPI là 18,13%. Tổng cục Thống kê dùng mô hình, những con số M2, vòng quay của tiền tệ, tăng trưởng, lạm phát, chúng tôi chỉ cần cố định 2-3 nhân tố, chỉ thay đổi M2 lên 15% thì CPI năm nay phải khoảng 25% trở lên, chứ không phải chỉ có trên 18%. Cho nên năm nay, tôi cho là thực hiện Nghị quyết triệt để hơn thời kỳ 2008. Phải tiếp tục duy trì thắt chặt đến khi cân bằng lại được thì mới đưa lạm phát xuống được. Tiếp tục duy trì như thế này thì CPI không thể tăng cao tiếp được.

(Bà Trần Thị Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kêLạm phát là việc kéo dài rất nhiều năm, do mất cân đối tiền hàng. Liên quan đến việc đó, chúng tôi cũng có nghiên cứu đánh giá các tác động đến CPI nói chung, đó là lạm phát cơ bản. Nó thể hiện rất rõ trong lạm phát cơ bản này. Ví dụ năm 2008, khi CPI bình quân năm tăng 22,9% thì lạm phát cơ bản trừ lương thực, thực phẩm tăng 16,3%, nếu trừ thêm năng lượng thì tăng 15,4%, tức là nó chiếm gần 70% trong CPI chung. Năm 2009, CPI bình quân tăng 6,9%, lạm phát cơ bản vẫn tăng trên 9%. Năm 2011, với CPI bình quân tăng 18,58% thì lạm phát cơ bản loại trừ lương thực, thực phẩm tăng 15,1%, loại trừ tiếp năng lượng thì tăng 14%, vẫn chiếm khoảng 70-80% của tốc độ CPI chung. Chúng ta thấy, rõ ràng chính sách tiền tệ, tài chính đã đẩy áp lực đến CPI lớn hơn việc biến đổi giá hàng hóa. Phân tích như vậy để thấy điều hành của Chính phủ trong thời gian tới, cả chính sách tiền tệ và tài khóa phải thắt chặt mới có thể làm cho lạm phát đi vào ổn định.