Trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp gì để đầu tư công thật sự trở thành dư địa bù đắp cho tăng trưởng
Câu hỏi: (PV Tô Hà-Báo nhân dân) Đầu tư công đã được nhìn nhận là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhưng nhiều năm qua, tỷ lệ giải ngân đầu tư công rất thấp khiến đóng góp của lĩnh vực này vào tăng trưởng GDP còn nhiều hạn chế. Trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp gì để đầu tư công thật sự trở thành dư địa bù đắp cho tăng trưởng? (Nguồn: https://www.thiennhien.net/2020/03/30/kinh-te-viet-nam-tang-truong-kha-so-voi-khu-vuc-va-quoc-te/)
Trả lời:
(Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, TCTK)
Giải ngân vốn đầu tư công trong quý I đã có chuyển biến tích cực khi đạt mức tăng khá 13,2% (cùng kỳ năm trước đạt 12,7%) so với kế hoạch cả năm, mặc dù kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019. Qua nghiên cứu cho thấy, thực hiện vốn đầu tư công là giải pháp hiệu quả giúp tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán của chúng tôi, giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% sẽ góp phần tăng 0,06 điểm phần trăm GDP. Hằng năm, chúng ta chỉ giải ngân cao nhất 92% đến 93% kế hoạch, nếu năm 2020 giải ngân hết 100% vốn tức là giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 7% thì đã làm nền kinh tế tăng thêm 0,42 điểm phần trăm. Do đó cần tập trung quyết liệt xử lý nút thắt về đầu tư công để có tăng trưởng trong những quý tiếp theo. Vừa qua, Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt, đổi mới về điều hành như giao vốn sớm và giao hết một lần để các bộ, ngành địa phương chủ động đưa vốn vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực đã góp phần khiến thủ tục đầu tư đơn giản hơn, tháo gỡ vướng mắc cho nên giải ngân đã khả quan hơn. Đây là những giải pháp cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.