Bộ trưởng chia sẻ những bài học kinh nghiệm của ngành để có thể thực hiện tốt hơn nữa vai trò, chức trách của người tham mưu, hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội cho đất nước
Câu hỏi: (PV Thúy Hiền (Thực hiện) BNEWS/TTXVN) Dự báo kinh tế thế giới năm 2021 sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm với nhiều yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng từ những hệ lụy của đại dịch COVID-19. Từ những kết quả, thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, xin Bộ trưởng chia sẻ những bài học kinh nghiệm của ngành để có thể thực hiện tốt hơn nữa vai trò, chức trách của người tham mưu, hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội cho đất nước? (Nguồn: https://bnews.vn/bo-truong-nguyen-chi-dung-nam-2021-hanh-dong-ngay-de-khong-bo-lo-cac-co-hoi/184759.html)
Trả lời:
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Theo tôi, có 5 bài học cần rút ra. Thứ nhất, đó là bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để giúp chúng ta xác định đúng vấn đề cần nghiên cứu, tham mưu.
Thứ hai, theo dõi sát tình hình, biến động trong nước và quốc tế, có ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội để kịp thời đưa ra những phân tích, dự báo làm cơ sở cho công tác nghiên cứu, hoạch định và tham mưu chính sách.
Thứ ba, tư tưởng đổi mới, sáng tạo, tư duy phát triển, có tầm nhìn là những phẩm chất thiết yếu của một người cán bộ kế hoạch đầu tư giỏi. Để hoạch định chính sách cần có tư duy đi trước của người dẫn đường, luôn tiên phong tìm những hướng đi mới, phương pháp mới, cách làm mới để có thể đem lại hiệu quả cao nhất.
Thứ tư, để tham mưu tốt còn cần có bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, dám nghĩ dám làm, có nhiệt huyết với công tác kế hoạch và đầu tư. Những cái mới, sáng tạo, đột phá thường tạo ra những quan điểm trái chiều, chống lại từ những người bảo thủ, trì trệ, ngại đổi mới. Để có thể đưa sáng tạo, đổi mới vào cuộc sống chúng ta cần kiên định bảo vệ, chứng minh tính đúng đắn và hiệu quả của đổi mới, sáng tạo.
Cuối cùng, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ. Chính sách muốn trúng, hiệu quả và khả thi phải được xây dựng theo hướng lấy nhân dân, doanh nghiệp, đối tượng hưởng lợi làm trung tâm. Chúng ta đã chứng kiến nhiều chính sách không triển khai được hoặc hiệu quả không được như kỳ vọng do được thiết kế theo tư duy chủ quan của người hoạch định, không bám sát thực tiễn, không đứng trên giác độ của người thụ hưởng chính sách.