Xây dựng một tương lai bền vững hơn với đăng ký hộ tịch toàn diện và số liệu thống kê quan trọng

“Tên tôi là Ali. (…) Tôi đã không được đăng ký khai sinh cho đến khi tôi 16 tuổi, khi tôi nhận ra tầm quan trọng của nó. Nếu không có giấy khai sinh, tôi đã bị tước quyền nhận dạng, quyền được học hành, quyền đi lại, di chuyển trong nước và quốc tế, và quyền được chăm sóc sức khỏe ”. Câu chuyện của Ali  không phải là duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi 65 triệu trẻ em dưới 5 tuổi vẫn chưa được đăng ký khai sinh.

“Có tất cả mọi người trong bức tranh”  là khẩu hiệu thể hiện Thập kỷ đăng ký dân cư và thống kê quan trọng (CRVS) tại Châu Á và Thái Bình Dương (2015-2024). Nó bao gồm tầm nhìn chung của khu vực rằng  đến năm 2024, tất cả người dân ở Châu Á và Thái Bình Dương sẽ được hưởng lợi từ các hệ thống CRVS, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền và hỗ trợ quản trị tốt, sức khỏe và phát triển. Để đánh dấu điểm giữa của Thập kỷ, hơn 400 người tham gia bao gồm các bộ trưởng, quan chức cấp cao và các bên liên quan từ 48 quốc gia và 15 tổ chức xã hội dân sự và quốc tế đã được triệu tập cho  Hội nghị Bộ trưởng lần thứ hai về CRVS, ngày 16-19/ 11/2021 . 

Hội nghị đã tôn vinh những thành công trong nửa đầu của Thập kỷ CRVS và đóng vai trò như một nền tảng tương tác để xác định những thách thức còn lại trong giai đoạn. Nhiều  sự kiện bên lề đa dạng cũng được tổ chức bởi các đối tác phát triển, bao gồm tiếng nói của trẻ em và thanh thiếu niên, cũng như các chuyên gia tập trung vào những đổi mới trong CRVS.

Đỉnh điểm của hội nghị là việc thông qua  Tuyên bố cấp Bộ trưởng, đưa ra các hành động rõ ràng nhằm đạt được đăng ký hộ tịch toàn dân, đặc biệt tập trung vào vai trò quan trọng của các hệ thống CRVS mạnh mẽ trong việc đảm bảo khả năng phục hồi trong thời kỳ khủng hoảng.

Tại điểm giữa của Thập kỷ CRVS: Chúng ta có thể có tất cả mọi người trong bức tranh không? 

Đăng ký khai sinh đã gia tăng nhanh chóng ở các quốc gia có tỷ lệ đăng ký khai sinh thấp vào đầu Thập kỷ. Các quốc gia đã sử dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo để đảm bảo mọi ca sinh đều được đăng ký. Ví dụ các chiến dịch đăng ký lưu động và sự tham gia của các nhân viên tuyến đầu trong cộng đồng để tăng khả năng tiếp cận của các nhóm dân cư khó tiếp cận. Tuy nhiên, trong khu vực vẫn chưa đạt được đăng ký khai sinh toàn dân. Thách thức này đã được   đưa vào Tuyên bố chung về Thanh thiếu niên và Trẻ em làm trọng tâm. Tuyên bố cũng đưa ra một loạt các khuyến nghị mạnh mẽ ủng hộ hệ thống đăng ký hộ tịch được củng cố và toàn diện, để tất cả trẻ em có thể phát huy hết tiềm năng của mình, bắt đầu từ quyền được đăng ký khai sinh.

Mặc dù công tác đăng ký khai tử đã được cải thiện nhưng mức độ vẫn thấp hơn đăng ký khai sinh. Điều này có thể do đăng ký khai tử ít được khuyến khích hơn và số lượng lớn các ca trường hợp tử vong vẫn xảy ra bên ngoài các cơ sở y tế. Hơn nữa, ngay cả khi các trường hợp tử vong đã được đăng ký, nguyên nhân tử vong được chứng nhận về mặt y tế vẫn thường bị thiếu. Đại dịch COVID-19 làm rõ hơn điểm này. Hơn bao giờ hết, chất lượng thông tin về các trường hợp tử vong và nguyên nhân của chúng đã được chứng minh là rất quan trọng nhằm đánh giá tác động thực sự của tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và lập kế hoạch các biện pháp ứng phó thích hợp.

Samira Asma, Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, phản ánh thêm  “hai năm qua là một lời nhắc nhở bi thảm về việc chúng ta không thể đếm chính xác số mạng người đã mất trong đại dịch COVID-19”.  Các cuộc thảo luận trong Hội nghị cũng ủng hộ việc tích hợp khám nghiệm tử thi bằng lời nói (một phương pháp thực tế để xác định nguyên nhân tử vong có thể xảy ra ở cấp độ dân cư ở những nơi mà hệ thống CRVS còn yếu kém) vào hệ thống đăng ký hộ tịch để cung cấp thông tin về tất cả các trường hợp tử vong, bao gồm cả những trường hợp xảy ra mà không có sự tham gia của nhân viên y tế.

Tỷ lệ đăng ký kết hôn thấp trong toàn khu vực, cùng với các định nghĩa pháp lý khác nhau về hôn nhân gây khó khăn cho việc thực thi pháp luật và theo dõi các mục tiêu quốc gia để giải quyết tình trạng tảo hôn cao ở các khu vực. Tương tự, cũng tồn tại những khoảng trống đáng kể đối với việc đăng ký ly hôn, điều này rất quan trọng để giải quyết bạo lực trên cơ sở giới và đảm bảo bảo trợ xã hội.

Lời  kêu gọi ‘Không để ai bị bỏ lại phía sau’  của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững cũng là chủ đề chung xuyên suốt Hội nghị, khi các quốc gia chia sẻ nỗ lực đáng kể của họ để đăng ký các sự kiện quan trọng của người tị nạn, người xin tị nạn, người di cư trong nước và dân số không quốc tịch. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia vẫn cần thực hiện các hành động bổ sung để đảm bảo tỷ lệ đăng ký hộ tịch cho tất cả các nhóm dân cư bị thiệt thòi và khó tiếp cận.

Triển vọng cho nửa sau của Thập kỷ CRVS là gì?

Tương lai là kỹ thuật số: các hệ thống CRVS được số hóa hoàn toàn có tiềm năng hợp lý hóa việc đối chiếu và chuyển dữ liệu đăng ký hộ tịch; tạo điều kiện tổng hợp các số liệu thống kê quan trọng chính xác, đầy đủ và kịp thời.

Từ khi mới sinh ra, cần áp dụng phương pháp tiếp cận vòng đời, giới trong đăng ký hộ tịch để đánh giá tốt hơn các rủi ro về sức khỏe dân số và bất bình đẳng ở tất cả các giai đoạn của cuộc đời.

Ưu tiên nâng cao năng lực kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất các số liệu thống kê quan trọng dựa trên dữ liệu đăng ký hộ tịch.

Phát huy tối đa vai trò của ngành y tế trong việc báo cáo ca sinh và tử vong xảy ra tại các cơ sở y tế.

Mở rộng việc sử dụng các đánh giá bất bình đẳng để xác định các rào cản hiện có đối với đăng ký hộ tịch và xác định ai đang bị bỏ lại phía sau.

Phạm Hạnh (dịch)

Nguồn: https://www.unescap.org/blog/building-more-resilient-future-inclusive-civil-registration-and-vital-statistics