Chính phủ đang khẩn trương chỉ đạo thực hiện gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội
Câu hỏi: (PV Thúy Hiền (Thực hiện) BNEWS/TTXVN) Trong quý I/2022 giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất ở mức cao và Chính phủ đang khẩn trương chỉ đạo thực hiện gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Vậy, tình hình này tác động thế nào đến mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay, thưa Tổng cục trưởng? (Nguồn: https://bnews.vn/tong-cuc-thong-ke-tang-truong-kinh-te-quy-i-2022-nam-trong-kich-ban-cua-nghi-quyet-01/238457.html)
Trả lời:
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Thị trường hàng hóa thế giới quý I/2022 diễn biến phức tạp, áp lực lạm phát tăng cao tại nhiều nước. Giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng nhanh trong bối cảnh nhiều quốc gia tích cực triển khai các gói kích thích tăng trưởng, đẩy mạnh tiến trình phục hồi kinh tế. Thị trường xăng dầu thế giới nhiều biến động, đặc biệt trước xung đột giữa Nga và Ukraine.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga khiến nguồn cung dầu thô và xăng dầu thành phẩm thiếu hụt trong khi dự trữ tại nhiều nước sụt giảm làm cho giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tăng cao. Tính đến ngày 23/3/2022, giá dầu Brent bình quân quý I/2022 đạt 96,13 USD/thùng, tăng 28,52% so với tháng 12/2021 và tăng 56,77% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường hàng hóa trong nước diễn biến theo thị trường thế giới. Cụ thể, giá nhập khẩu một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước quý I/2022 so với cùng kỳ năm trước tăng cao như: giá nhập khẩu sắt thép tăng 43,87%; giá nhập khẩu xăng dầu tăng 40,44% và giá nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 27,73%.
Giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào các ngành sản xuất trong nước quý I/2022 tăng từ 0,53 – 6,16% so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu dầu thô, hạt tiêu, sắt thép và gạo của Việt Nam tăng lần lượt 60,39%; 32,33%; 20,24% và 4,42%.
Quý I/2022, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 6 đợt, giảm 1 đợt; trong đó, giá xăng A95 tăng 5.900 đồng/lít so với tháng 12/2021; giá xăng E5 tăng 5.780 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.060 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân quý I/2022 tăng 48,81%.
Việc triển khai các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022-2023 để chủ động trong phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi, phát triển bền vững kinh tế – xã hội là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay nhưng cũng sẽ làm gia tăng áp lực lên lạm phát.
Chính vì vậy, theo chúng tôi các gói kích thích kinh tế này phải được triển khai một cách đồng bộ với các chính sách về tài khóa, tiền tệ và công tác quản lý, giám sát phải chặt chẽ, chính sách hỗ trợ cần sát với thực tiễn, công khai, minh bạch.
Tín dụng của nền kinh tế cũng phải đảm bảo đáp ứng được vốn cho nền kinh tế tăng trưởng; trong đó tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cần kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc thực hiện tốt các chính sách sẽ giúp thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế và kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra.