Đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam và những ngành, lĩnh vực đã đóng góp cho tăng trưởng trong 9 tháng năm 2020
Câu hỏi: (PV Thúy Hiền -Thực hiện BNEWS/TTXVN) Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế thế giới và trong nước, bà có đánh giá gì về tình hình kinh tế Việt Nam và những ngành, lĩnh vực nào đóng góp cho tăng trưởng trong 9 tháng năm 2020? (Nguồn: https://bnews.vn/kinh-te-viet-nam-se-tiep-da-tang-truong-trong-quy-iv/171023.html)
Trả lời:
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế – xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới, các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam 9 tháng năm nay tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng dương 2,12% là một kết quả rất đáng mừng.
Đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo điều hành phòng chống dịch bệnh, khôi phục kinh tế và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”.
Trong các ngành, lĩnh vực có đóng góp chính cho tăng trưởng 9 tháng phải kể đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đây là động lực tăng trưởng kinh tế với mức tăng 4,6%, đóng góp hơn 1 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế; một số ngành dịch vụ thị trường cũng đóng góp tích cực cho tăng trưởng như: bán buôn và bán lẻ tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,68%.
Cùng với đó, một số ngành có tăng trưởng tích cực trong 9 tháng như: ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 9,63%; thông tin truyền thông tăng 7,41%; ngành tài chính ngân hàng tăng 6,68%.
Bên cạnh đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh nhưng đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, thể hiện được vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.