Để hạn chế chủ quan duy ý chí, công tác kiểm tra giám sát tính trung thực của các số liệu cũng là điều cần quan tâm. Vậy ở Việt Nam công tác này thời gian qua đã được thực hiện như thế nào?
Câu hỏi: (Nhà báo Lương Bằng – Báo Hải quan) Để hạn chế chủ quan duy ý chí, công tác kiểm tra giám sát tính trung thực của các số liệu cũng là điều cần quan tâm. Vậy ở Việt Nam công tác này thời gian qua đã được thực hiện như thế nào, thưa ông? (Phỏng vấn ngày 5 tháng 9 năm 2012)
Trả lời:
(Ông Nguyễn Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Khoa học Thống kê) Hiện nay Việt Nam vẫn chưa có một cơ quan giám sát độc lập của Nhà nước về số liệu thống kê. Chức năng này được giao cho Tổng cục Thống kê theo quy định của Luật Thống kê ban hành năm 2003. Tất cả cơ quan thống kê, người sản xuất, người sử dụng số liệu phải chịu sự điều chỉnh của Luật Thống kê.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 14/2005/NĐ-CP ngày 4-2-2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê. Nghị định này quy định rất rõ các hành vi báo cáo sai, báo cáo không đúng, thậm chí điều chỉnh số liệu không theo phương pháp sẽ bị xử phạt như thế nào. Tổng cục Thống kê có tổ chức thanh tra thống kê, mỗi Cục Thống kê đều bố trí 1 Thanh tra thống kê.
Hàng năm, Tổng cục Thống kê đã thực hiện kế hoạch thanh tra thống kê và phát hiện ra những sai phạm và mức xử phạt theo đúng tinh thần của Nghị định 14/2005/NĐ-CP. Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1083/QĐ-TTg ngày 18-10-2011 đã đưa ra các giải pháp đồng bộ, nhằm tăng cường chất lượng số liệu thống kê.