Ngành đã thực hiện những nhiệm vụ gì để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển
Câu hỏi: (PV Thúy Hiền (Thực hiện) BNEWS/TTXVN) Thưa Bộ trưởng, năm 2020, bối cảnh trong nước và quốc tế diễn biến bất lợi, đại dịch COVID-19, khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng; trong nước, thiên tai, bão, lũ, hạn hán… đã gây rất nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh. Vậy, ngành đã thực hiện những nhiệm vụ gì để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển? (Nguồn: https://bnews.vn/bo-truong-nguyen-chi-dung-nam-2021-hanh-dong-ngay-de-khong-bo-lo-cac-co-hoi/184759.html)
Trả lời:
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Đứng trước những khó khăn, thử thách, ngành kế hoạch và đầu tư đã phát huy vai trò tiên phong, đi đầu trong cải cách và đổi mới, tham mưu nhiều chính sách then chốt để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.
Theo đó, ngành đã tiên phong khởi xướng làn sóng cải cách thể chế, với tư tưởng đổi mới mạnh mẽ, tư duy phát triển mang tính đột phá, táo bạo, có tầm nhìn dài hạn và chiến lược, vượt qua những lợi ích cục bộ, vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước để đề xuất xóa bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh bất hợp lý, góp phần xây dựng niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, người dân và doanh nghiệp.
Về quản lý nhà nước đối với đầu tư công, tiếp theo Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, Bộ đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 với nhiều quy định mới giúp quản lý chặt chẽ hơn toàn bộ quá trình đầu tư công nhưng cũng đẩy mạnh phân cấp, trao quyền, trao sự chủ động trong quản lý hoạt động đầu tư công gắn với trách nhiệm của từng cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư.
Đặc biệt đối với thu hút đầu tư nguồn vốn FDI. Giai đoạn 2016-2020, vốn đăng ký và vốn thực hiện tăng mạnh so với giai đoạn trước đó. Đặc biệt là năm 2020, mặc dù, tình hình rất khó khăn nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin tưởng vào thị trường và môi trường đầu tư của Việt Nam, triển khai mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là tín hiệu tích cực và chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực để đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Về phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt. Cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước đã đổi mới theo hướng tự chủ kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch hơn.
Cùng với đó là việc thực hiện xây dựng quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; thống kê, phân tích và dự báo; tham mưu cơ chế chính sách chỉ đạo điều hành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, đổi mới sáng tạo, xây dựng các mô hình kinh tế mới và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…