Quan điểm của ông về gói trợ hỗ trợ lần hai cho nền kinh tế? Việc xây dựng gói hỗ trợ này cần đảm bảo những mục tiêu gì
Câu hỏi: (PV Thu Hiền (Thực hiện) Quan điểm của ông về gói trợ hỗ trợ lần hai cho nền kinh tế? Việc xây dựng gói hỗ trợ này cần đảm bảo những mục tiêu gì, thưa ông? (Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/ts-nguyen-bich-lam-nguyen-tong-cuc-truong-tong-cuc-thong-ke-goi-ho-tro-lan-thu-hai-can-co-quy-mo-tac-dong-du-lon-va-mang-tinh-dai-han-133235.html)
Trả lời:
TS. Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
– Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau khi làn sóng Covid-19 lần thứ hai xuất hiện ở nhiều nền kinh tế lớn như: Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Brazil.. trong tháng 6, 7/2020 gây nên các tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, tạo ra cú sốc tiêu cực cho cả bên cung và bên cầu. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, có thị trường tiêu thụ trong nước với trên 96 triệu dân, tuy nhiên hiện nay nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam vẫn trong giai đoạn phong toả nên tăng trưởng kinh tế nước ta trong những năm tới cơ bản dựa vào nội lực trong nước để thúc đẩy đầu tư và kích thích tiêu dùng; đồng thời, linh hoạt thúc đẩy thương mại quốc tế.
Để nền kinh tế duy trì ổn định và tăng trưởng cao trong giai đoạn hậu Covid-19, Chính phủ cần có gói hỗ trợ tiếp theo (gói hỗ trợ thứ hai) thông qua các chính sách phù hợp, có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn đáp ứng 4 mục tiêu. Cụ thể là đảm bảo ổn định kinh tế – xã hội, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh trong giai đoạn hậu Covid-19; hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là khu vực DN nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể DN, tạo điều kiện để khu vực DN phục hồi nhanh khi tác động của dịch Covid-19 suy giảm và chấm dứt; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.
Khu vực DN Việt Nam đóng góp trên 60% GDP của nền kinh tế với trên 756 nghìn DN đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm trên 96% tổng số DN của cả nước. Theo số liệu điều tra, khu vực DNNVV có vị thế thanh khoản yếu ngay cả trước đại dịch; khả năng trả nợ của khu vực DN tương đối yếu, tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ cao, trong khi đó khu vực ngân hàng đứng trước khả năng rủi ro nợ khá lớn. Với tác động của đại dịch sẽ làm giảm khả năng sinh lời của khu vực DN, tạo áp lực thanh khoản nghiêm trọng, khả năng trả nợ của khu vực DN yếu đi, làm gia tăng nguy cơ vỡ nợ. Với tầm quan trọng trong nền kinh tế và các đặc điểm của khu vực DN, gói hỗ trợ lần thứ hai cần tập trung đặc biệt vào khu vực DN để thực hiện, đồng thời hỗ trợ DN duy trì sản xuất và cơ cấu lại nền kinh tế.