Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chỉ đạo TCTK rà soát phương pháp tính toán chỉ tiêu GDP tính đúng, tính đủ, trung thực. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo như vậy có phải nghi ngờ cách tính, có phải từ trước đến nay TCTK chưa tính đúng, tính đủ?
Câu hỏi: (Nhà báo Mạnh Bôn – Báo Đầu tư) Trong cuộc họp giao ban của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thông kê rà soát phương pháp tính toán chỉ tiêu GDP tính đúng, tính đủ, trung thực. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo như vậy có phải nghi ngờ cách tính, có phải từ trước đến nay TCTK chưa tính đúng, tính đủ không? (Họp báo 6 tháng 2017)
Trả lời:
(Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK) Về vấn đề nhà báo Mạnh Bôn đề cập đến Chỉ thị số 24 nêu “đề nghị TCTK tính đúng, tính đủ, tính trung thực”. TCTK khẳng định về phương pháp tính luôn tính đúng, trong những năm gần đây không có đơn vị, tổ chức nghi ngờ về phương pháp tính toán của TCTK. Những năm 1990 ít nhất TCTK tiếp 2 lần tổ chức quốc tế đến rà soát số liệu, xem phương pháp tính toán như thế nào? Mỗi năm TCTK phải 4 lần tiếp các đoàn. Từ những năm 2000 trở lại đây họ luôn tin tưởng phương pháp luận mà TCTK đang áp dụng, không đặt vấn đề rà soát mà đến chỉ nắm bắt tình hình kinh tế để viết báo cáo. Các tổ chức quốc tế đánh giá Thống kê Việt Nam là cực kỳ tốt; chúng ta có cả 1 chương trình điều tra thống kê đưa ra; các loại điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê cho nên về mặt phương pháp luận TCTK đảm bảo tính đúng, còn tính đủ thì đã tính đủ chưa? Tôi phải thừa nhận nếu tính số liệu ước tính và số liệu sơ bộ thì không bao giờ tính đủ; về phương pháp thống kê hàng năm chúng tôi có điều tra thống kê theo quý, điều tra năm cũng hoàn toàn là điều tra mẫu sau đó dùng phương pháp thống kê để suy rộng, nên bên cạnh điều tra hàng năm, hàng quý còn có các cuộc Tổng điều tra và trong chương trình Điều tra thống kê, TCTK có 3 Tổng điều tra thống kê: Tổng điều tra dân số và nhà ở cứ 10 năm tiến hành điều tra 1 lần, Tổng điều tra Kinh tế cứ 5 năm điều tra 1 lần, Tổng điều tra Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (trước đây là 5 năm 1 lần, từ năm 2016 trở đi là 10 năm 1 lần). Như vậy Tổng điều tra là thu thập toàn bộ các đơn vị có tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, phản ánh đầy đủ, qua các Tổng điều tra, TCTK lấy kết quả điều tra làm căn cứ để bổ sung thêm quy mô của nền kinh tế nên trong kế hoạch 2018 khi chúng tôi xử lý kết quả Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản và Tổng điều tra kinh tế 2017 thì tính toán lại quy mô của nền kinh tế của các năm trước nên Chính phủ đưa ra tính đủ là như vậy và TCTK cũng mong muốn Chính phủ ra Chỉ thị 24 để các Bộ, ngành và địa phương ủng hộ, phối hợp với TCTK trong việc thu thập thông tin.
Còn về trung thực chúng tôi đảm bảo trung thực, thế mới có câu chuyện GDP năm 2016 là 6.21%, rồi 5.1% của quý I năm nay.
Theo tôi được biết một trong những nguyên nhân tốc độ tăng trưởng thấp là do đầu tư không đạt yêu cầu .Vì sao vốn đầu tư giải ngân chậm và lý giải tại sao vốn đầu tư và tốc độ tăng trưởng kinh tế giải ngân chậm lại ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng.