Tổng cục Thống kê có đề xuất giải pháp gì nhằm thúc đẩy tăng trưởng năm 2022
Câu hỏi: (PV Thúy Hiền (Thực hiện) BNEWS/TTXVN) Chính phủ và các địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội phê duyệt trong bối cảnh đứt gãy nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu và lao động. Tổng cục Thống kê có đề xuất giải pháp gì giải quyết hai vấn đề này nhằm thúc đẩy tăng trưởng năm 2022? (Nguồn: https://bnews.vn/tong-cuc-thong-ke-tang-truong-kinh-te-quy-i-2022-nam-trong-kich-ban-cua-nghi-quyet-01/238457.html)
Trả lời:
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Chính phủ và các địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội phê duyệt trong bối cảnh kinh tế nước ta sụt giảm do tác động của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine làm tăng giá các mặt hàng liên quan đến giá dầu, giá điện và giá lương thực thực phẩm, cũng như tác động lan toả đối với nhiều ngành rộng hơn do chi phí vận tải và giá điện tăng cao.
Do vậy, để hạn chế các tác động đứt gãy nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu, Tổng cục Thống kê đề xuất cần theo dõi sát sao diễn biến căng thẳng Nga – Ukraine và động thái, chính sách của các quốc gia như Mỹ và phương Tây.
Từ đó, có những nhận định, đánh giá và các chính sách điều hành phù hợp, kịp thời, nhất là các chính sách đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu, vận chuyển và cung ứng đến nơi sản xuất, đảm bảo không để xảy ra gián đoạn quá lâu dẫn tới hủy đơn hàng của đối tác đặt hàng.
Để đảm bảo tăng trưởng ổn định, bền vững hơn, ít phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài, cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (gồm cả trong nước và nhập khẩu); chính sách điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung, ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Giá cả thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nên cần nỗ lực thực hiện các biện pháp đàm phán nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác từ cấp cao là Chính phủ đến cấp bộ, ngành, doanh nghiệp, đặc biệt đối với các nước có nguồn tài nguyên dồi dào.
Cùng đó, hỗ trợ các doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để bảo đảm nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất. Qua đó, kiểm soát lạm phát và bảo đảm tối thiểu nhất ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên liệu thế giới đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.