Mặc dù GDP của Việt Nam tăng thấp hơn dự kiến, nhưng nguyên, nhiên liệu, vật tư đầu vào của sản xuất trên thế giới tăng mạnh, chắc chắn đẩy CPI của Việt Nam cao hơn mới đúng quy luật

Câu hỏi:  (PV Mạnh Bôn (Thực hiện) Báo đầu tư) Mặc dù GDP của Việt Nam tăng thấp hơn dự kiến, nhưng nguyên, nhiên liệu, vật tư đầu vào của sản xuất trên thế giới tăng mạnh, chắc chắn đẩy CPI của Việt Nam cao hơn mới đúng quy luật, thưa ông? (Nguồn: https://baodautu.vn/da-den-luc-xay-dung-nguong-lam-phat-thay-chi-tieu-lam-phat-d150579.html)

Trả lời:

Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Trong 8 tháng và cả năm nay, CPI của Việt Nam dù có thấp kỷ lục không có gì là bất thường, nhưng rất đặc thù. Vì để đối phó với đà suy giảm kinh tế do hậu quả của đại dịch Covid-19, tất cả các nước trên thế giới đều sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ.

Đơn cử, Mỹ đã bỏ ra tổng cộng 4.500 tỷ USD để khắc phục hậu quả Covid-19. EU bơm 2.190 tỷ USD để giải quyết những hậu quả về kinh tế, xã hội do Covid-19 gây ra. Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng tung ra gói hỗ trợ tài khóa với quy mô lớn chưa từng có trong tiền lệ, chưa kể chính sách nới lỏng tín dụng bơm ra thị trường hàng chục ngàn tỷ USD. Nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa giúp nhiều nền kinh tế phục hồi đà tăng trưởng, nhưng phải chấp nhận lạm phát cao hơn mục tiêu.

Việt Nam cũng sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng chính sách của Việt Nam khá đặc thù. Đặc thù ở chỗ, thay vì phát tiền trực tiếp cho người dân, Việt Nam chỉ hỗ trợ cho một số đối tượng trong xã hội và tổng mức hỗ trợ cũng không nhiều. Thay vào đó, Chính phủ yêu cầu giảm giá điện, nước, viễn thông; không tăng học phí, viện phí theo lộ trình; thậm chí còn giảm học phí năm học 2021-2022 cho một số đối tượng, nên nhu cầu xã hội vốn đã thấp do thực hiện giãn cách xã hội, lại được giảm giá những mặt hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khiến CPI tăng thấp.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là những chính sách rất đặc thù của Việt Nam, chi phí thấp, hiệu quả cao, nhiều đối tượng được thụ hưởng, kiểm soát được lạm phát, nhưng vẫn là một trong số ít nước đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực, với mức tăng trưởng 4,8% trong năm nay, theo dự báo Ngân hàng Thế giới công bố vào cuối tháng 8.