Tình hình kinh tế – xã hội năm 2017 của Việt Nam

Chiều ngày 27 tháng 12 năm 2017, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội năm 2017. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK chủ trì buổi Họp báo. Tham dự có lãnh đạo TCTK; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc cơ quan TCTK; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Về tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam năm 2017:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016 (trong đó: quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,28%, quý III tăng 7,46%; quý IV tăng 7,65%). Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm giai đoạn 2011-2016, khẳng định tính kịp thời hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện. Trong đó mức tăng 6,81% của toàn bộ nền kinh tế; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,9% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016), đóng góp 0,44 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm;

Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016. Về cơ cấu kinh tế năm nay khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,34%; khu vực dịch vụ chiếm 41,32%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10%.Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng cao nhất 5,54% do sản xuất thủy sản năm 2017 có nhiều khởi sắc so với năm 2016, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành nông nghiệp tăng 2,07% (năm 2016 tăng 0,72%), đóng góp 0,24 điểm phần trăm cho thấy dấu hiệu phục hồi của ngành nông nghiệp sau những ảnh hưởng nặng nề thiên tai năm 2016, xu hướng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,85% cao hơn mức tăng 7,06% của năm 2016, đóng góp 2,23 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 14,4% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây) đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 2,23 điểm phần trăm.

Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2017, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,35% so với năm 2016, đóng góp 5,52 điểm phần trăm (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 5,04 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 9,8%, đóng góp 3,3 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 2,01 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.

Ngoài ra chỉ số CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với bình quân năm 2016, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra; lạm phát cơ bản bình quân năm 2017 tăng 1,41% so với bình quân năm 2016.

Trong buổi họp báo, TCTK giải đáp các câu hỏi của các cơ quan thông tấn báo chí và đưa ra những đánh giá, phân tích về tình hình kinh tế – xã hội năm 2017, cũng như những tác động của bối cảnh trong nước và thế giới đến diễn biến kinh tế – xã hội năm 2018.

Một số hình ảnh tại buổi Họp báo:

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK, phát biểu chỉ đạo buổi Họp báo

Đại diện TCTK giải đáp các câu hỏi của các cơ quan thông tấn báo chí

Toàn cảnh buổi Họp báo

Thái Học