Địa vị pháp lý, nguyên tắc hoạt động, quyền hạn và nghĩa vụ của Hội Thống kê Việt Nam
Bài viết hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Tư, nhiệm kỳ 2024-2029 Hội Thống kê Việt Nam.
Hội Thống kê Việt Nam (Vietnam Statistical Association – VSA) được thành lập từ ngày 04/5/2006, theo Quyết định số 704/QĐ-BNV của Bộ trưởng, Bộ Nội vụ. VSA hoạt động với tôn chỉ, mục đích; địa vị pháp lý; phạm vi, lĩnh vực hoạt động; nguyên tắc tổ chức và hoạt động; quyền hạn và nghĩa vụ như sau:
Tôn chỉ, mục đích của VSA: Hội Thống kê Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thống kê và các lĩnh vực khác liên quan đến hoạt động thống kê tự nguyện thành lập, nhằm tập hợp, đoàn kết những hội viên; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; hỗ trợ hội viên nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; góp phần xây dựng ngành Thống kê Việt Nam ngày càng phát triển và minh bạch”.
Địa vị pháp lý của VSA: Hội có tư cách pháp nhân; có con dấu, tài khoản, biểu tượng riêng; hoạt động theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều lệ Hội được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt. Hội được tham gia là thành viên của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta); Hiệp hội Thống kê ASEAN; Hiệp hội Thống kê thế giới và các tổ chức nghề nghiệp khác. Trụ sở chính của Hội đặt tại thành phố Hà Nội (54 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội).
Phạm vi, lĩnh vực hoạt động của VSA: Hội hoạt động trong phạm vi cả nước về lĩnh vực thống kê và các lĩnh vực khác liên quan đến hoạt động thống kê theo quy định của pháp luật. Hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành khác có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VSA: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ Hội Thống kê Việt Nam, điều lệ của các tổ chức nghề nghiệp mà Hội tham gia là thành viên chính thức; tự nguyện, tự quản; dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tự bảo đảm kinh phí hoạt động; không vì mục đích lợi nhuận.
Quyền hạn, VSA có 6 quyền hạn sau:
(1) Được tham gia vào việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thống kê, đồng thời được tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan có chức năng tuyên truyền, phổ biến các văn bản này khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
(2) Được tổ chức và phối hợp với các cơ quan thống kê ở Trung ương cũng như ở địa phương triển khai các hoạt động của hệ thống thống kê nhà nước khi được cơ quan thống kê nhà nước ủy quyền hoặc đề nghị phối hợp;
(3) Được mở rộng quan hệ hợp tác, tham gia hội thảo, nghiên cứu khoa học và thực hiện các hoạt động khác liên quan đến thống kê; được gia nhập làm thành viên của các tổ chức nghề nghiệp trong nước, trong khu vực và trên thế giới theo luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế;
(4) Được nhận tài trợ, nhận ủng hộ về tài chính, vật chất, tinh thần, nhận trợ giúp kỹ thuật và trợ giúp nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của cơ quan nhà nước, của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Hội được lập quỹ từ nguồn hội phí, nguồn tài trợ, nguồn trích nộp từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, dịch vụ, kinh doanh và các nguồn thu khác của Hội theo quy định của pháp luật;
(5) Được tổ chức hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, xuất bản và phát hành sách, báo, tạp chí, tài liệu chuyên môn, trang tin điện tử và các sản phẩm thông tin thống kê; đồng thời được tổ chức các hoạt động dịch vụ thống kê theo quy định của pháp luật;
(6) Được thành lập pháp nhân thuộc Hội theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ, VSA có 4 nhiệm vụ sau:
(1) Tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thống kê và giữ vững phẩm chất nghề nghiệp nhằm góp phần tôn vinh nghề thống kê và nâng cao uy tín, vị thế của ngành thống kê Việt Nam;
(2) Tư vấn và tham gia phản biện, giám định việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi, tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các chương trình, dự án về thống kê và về các lĩnh vực kinh tế – xã hội khi được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu, đề nghị theo quy định của pháp luật;
(3) Mở rộng mối quan hệ và hợp tác với các đơn vị của Tổng cục Thống kê; với thống kê các Bộ, ngành và địa phương; với tổ chức thống kê của các nước, các tổ chức thống kê quốc tế và với các tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài nước tiến hành các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn theo quy định của pháp luật;
(4) Bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của hội viên theo quy định của pháp luật.