Kể cả lấy CPI tháng 6 tăng 2,14% so với cùng kỳ là con số chính thức, thì người tiêu dùng cũng không khỏi thắc mắc, vì trên thực tế, rất nhiều mặt hàng tăng giá nhiều lần

Câu hỏi:  (PV Mạnh Bôn (Thực hiện) Báo đầu tư) Kể cả lấy CPI tháng 6 tăng 2,14% so với cùng kỳ là con số chính thức, thì người tiêu dùng cũng không khỏi thắc mắc, vì trên thực tế, rất nhiều mặt hàng tăng giá nhiều lần? (Nguồn: https://baodautu.vn/cach-xac-dinh-cpi-la-chinh-xac-nhung-can-giai-thich-ro-hon-d146637.htmll)

Trả lời:

Lê Quốc Phương, Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương)

Đúng là giá xi măng, sắt thép, thức ăn chăn nuôi… tăng liên tục trong 6 tháng đầu năm nay, nhưng những mặt hàng này tác động vô cùng ít vào CPI, vì chi tiêu của người dân cho nhóm hàng này rất ít và hầu như không tác động tới túi tiền của tuyệt đại đa số người dân.

Mặt hàng xăng dầu cũng tương tự. Dù từ đầu năm đến nay, cứ sau 15 ngày, giá xăng dầu lại được điều chỉnh tăng, nhưng mặt hàng này tác động trực tiếp đến người tiêu dùng không đáng kể, vì tổng số tiền mà mỗi người dân chi để mua xăng dầu chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng chi tiêu hàng tháng.

Giá gạo bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng khoảng 7% so với cùng kỳ, nhưng trong cơ cấu chi tiêu của người dân, tiền bỏ ra mua gạo không nhiều, nên cơ cấu mặt hàng lương thực trong quyền số tính CPI không cao, chỉ chiếm 4,46%.

Trong khi đó, nhờ thu nhập của người dân được cải thiện liên tục, nên chi tiêu dành cho thực phẩm, rau quả, điện, điện thoại, Internet, tham quan, du lịch… ngày càng tăng và chiếm tỷ lệ khá cao trong quyền số tính CPI, trong đó riêng mặt hàng thực phẩm là 22,6%.

Trong 6 tháng đầu năm, những loại hàng hóa, dịch vụ này không những không tăng, thậm chí còn giảm. Vì vậy, CPI tháng 6 năm nay so với cùng kỳ, so với tháng 12/2020, cũng như CPI bình quân 6 tháng đầu năm như con số được Tổng cục Thống kê công bố là chính xác. Tuy nhiên, theo tôi, cũng nên xem lại cách xác định quyền số tính CPI cho khoa học hơn, chính xác hơn.