Tổng cục Thống kê tổ chức Hội thảo xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư quy định năm 2020 làm năm gốc để tính các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh

Chiều ngày 04/8/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức thành công Hội thảo góp ý cho công văn hướng dẫn thực hiện Thông tư số 13/2019/TT-BKHĐT quy định năm 2020 làm năm gốc để tính các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh.

Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương tham dự và chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có Phó Tổng cục trưởng Lê Trung Hiếu; lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị liên quan thuộc cơ quan TCTK.

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chủ trì Hội thảo

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 13/2019/TT-BKHĐT được Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thông tin thống kê (PPCĐ) chủ trì, đồng phối hợp với Vụ Thống kê giá và các Vụ liên quan, đang được tiến hành khẩn trương để sớm ban hành hướng dẫn thực hiện. Qua đó tại Hội thảo, Tổng cục trưởng yêu cầu đơn vị chủ trì báo cáo cụ thể các nội dung công việc, nhấn mạnh những điểm mới của Thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tại điểm C, khoản 2, Điều 7 Thông tư số 13/2019/TT-BKHĐT ngày 31/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc quy định năm 2020 làm năm gốc để tính các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh, Tổng cục Thống kê hướng dẫn chi tiết việc sử dụng chỉ số giá, biên soạn và chuyển đổi các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh năm gốc 2020 với 5 nội dung như sau:

(1) Sử dụng năm 2020 làm năm gốc để tính các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh. (2) Về quyền số áp dụng cho năm gốc so sánh 2020: Do tác động của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế của năm 2020 không ổn định, số liệu, cơ cấu kinh tế của năm này có thay đổi bất thường ảnh hưởng trực tiếp đến việc tính các chỉ số giá của kỳ báo cáo so với kỳ gốc và xác định hệ số chuyển đổi theo các gốc so sánh 2010, 2020. Để bảo đảm tính chính xác khi biên soạn, chuyển đổi số liệu theo các gốc so sánh, Tổng cục Thống kê thống nhất quy định sử dụng số liệu, cơ cấu kinh tế của năm 2019 thay cho số liệu, cơ cấu kinh tế của năm 2020 dùng làm gốc so sánh 2020. (3) Về áp dụng hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, Công văn hướng dẫn sử dụng sổ tay hướng dẫn áp dụng Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC 2018 – ban hành theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ) để thực hiện chuyển đổi dãy số liệu từ năm 2010-2020 theo năm gốc 2010 về năm gốc 2020 và dãy số liệu 2021-2025 theo năm gốc 2020 về năm gốc 2010. (4) Sử dụng hệ thống chỉ số giá để biên soạn, chuyển đổi các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh năm gốc 2020 thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục kèm theo. (5) Các Vụ liên quan cùng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê hướng dẫn các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện. Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng Công nghệ thông tin thống kê chủ trì, phối hợp với Vụ Thống kê Giá thực hiện thiết kế, chọn mẫu đơn vị điều tra, hoàn thiện các phương án điều tra giá đảm bảo mức độ chi tiết của các chỉ số giá để tính các chỉ tiêu theo giá so sánh. Vụ Thống kê Giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp hệ thống chỉ số giá phục vụ tính toán, chuyển đổi các chỉ tiêu thống kê theo các năm gốc so sánh cấp vùng và cả nước; đồng thời hướng dẫn Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, biên soạn hệ thống chỉ số giá tại địa phương. Vụ Kế hoạch tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn việc xây dựng và quản lý, sử dụng dự toán kinh phí thực hiện các nội dung nêu trên. Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm biên soạn hệ thống chỉ số giá và chuyển đổi số liệu đối với các chỉ tiêu được phân công trên địa bàn.

Phụ lục Hướng dẫn sử dụng chỉ số giá, biên soạn, chuyển đổi các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh năm gốc 2020 kèm theo Công văn hướng dẫn với 7 nhóm chỉ số giá gồm: (1) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). (2) Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất. (3) Chỉ số giá sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và dịch vụ. (4) Chỉ số giá xây dựng. (5) Chỉ số giá bất động sản. (6) Chỉ số giá tiền lương. (7) Chỉ số giá xuất nhập khẩu.

Phần I, Phụ lục về sử dụng hệ thống chỉ số giá gồm: Hệ thống chỉ số giá dùng để tính, chuyển đổi các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh; Yêu cầu chi tiết đối với mỗi chỉ số giá (bao gồm mức độ chi tiết của số liệu và hướng dẫn sử dụng). Phần II, hướng dẫn Biên soạn, chuyển đổi các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh với các nội dung: Sử dụng chỉ số giá để biên soạn chỉ tiêu giá trị sản xuất theo giá so sánh; Tính thuế nhập khẩu theo giá so sánh; Biên soạn và chuyển đổi số liệu giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; Biên soạn và chuyển đổi số liệu chỉ tiêu vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội.

Toàn cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, Vụ PPCĐ đã giải trình, làm rõ các ý kiến đóng góp của các Vụ chuyên môn, nội dung tiếp thu tập trung vào các ý kiến về vấn đề chỉ số giá bất động sản, chỉ số giá xuất nhập khẩu dịch vụ; chỉ số giá xây dựng; đề xuất làm thử nghiệm, tính toán trước khi công bố chính thức; tổ chức thực hiện… Qua đó, Vụ PPCĐ xin ý kiến các đơn vị lần cuối các vụ liên quan để hoàn thiện Dự thảo, trình lãnh đạo Tổng cục phê duyệt và ban hành Quyết định.

Bế mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đánh giá cao phần công việc đã thực hiện của đơn vị chủ trì, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan. Trong thời gian tới, Tổng cục trưởng yêu cầu các Vụ cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ nhu cầu của đơn vị mình, tập trung vào các chỉ số giá bất động sản, xây dựng, xuất nhập khẩu. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện với các bước: Tính thử, thời gian ra kết quả, rà soát kết quả, công bố số liệu cho Trung ương và địa phương, bên cạnh đề xuất các nguồn lực kèm theo. Căn cứ vào ý kiến của các đơn vị, đơn vị chủ trì đưa vào hướng dẫn theo đúng quy trình; khẩn trương hoàn thiện và ban hành trong thời gian tới./.

Minh Tiến