Trong 5 nhóm hoạt động kinh tế chưa được quan sát có nhóm “kinh tế ngầm” và “kinh tế phi chính thức” rất khó quản lý, thu thập thông tin do bị giấu giếm. Vậy TCTK sẽ có cách nào để tính toán được cho đúng?
Câu hỏi: (PV Thúy Hiền-TTXVN) Thưa ông, trong 5 nhóm hoạt động kinh tế chưa được quan sát có nhóm “kinh tế ngầm” và “kinh tế phi chính thức” rất khó quản lý, thu thập thông tin do bị giấu giếm. Vậy Tổng cục Thống kê sẽ có cách nào để tính toán được cho đúng?
Trả lời:
(Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, TCTK)
Đối với hoạt động kinh tế ngầm bao gồm các hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng bị giấu giếm một cách có chủ ý tránh các nghĩa vụ nộp thuế và trách nhiệm xã hội.
Do đó, việc thu thập thông tin về kết quả sản xuất của các hoạt động kinh tế ngầm rất phức tạp và khó khăn vì các chủ thể thực hiện các hoạt động này có nhiều cách tinh vi để che giấu.
Theo đó, để có thể thu thập thông tin về hoạt động kinh tế ngầm, cần phải xác định rõ gồm những loại hoạt động nào? Thường diễn ra trong đơn vị đơn vị sản xuất kinh doanh nào. Trên thực tế, trong một đơn vị hoạt động kinh tế có một phần hoạt động kinh tế ngầm, bị dấu giếm.
Để thực hiện việc này, Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan rà soát và xác định hoạt động, xây dựng một số chỉ tiêu nhận dạng, chỉ tiêu thay thế và phương pháp ước tính (trực tiếp hoặc gián tiếp) cho từng chỉ tiêu, sau đó tiến hành thử nghiệm khảo sát thực tiễn trước khi ước lượng mức độ ảnh hưởng của nó.
Đối với loại hoạt động này việc xem xét, đánh giá cần được tiến hành thận trọng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan như cơ quan thuế, quản lý thị trường, Ủy ban phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái….
Kết quả ước tính có thể được tính hoặc không tính vào GDP tùy theo độ tin cậy của phương pháp ước tính và mức độ ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế. Mục tiêu chính xem xét là thu hẹp tối đa hoạt động này trong nền kinh tế.
Còn đối với hoạt động kinh tế phi chính thức được nhận dạng là các cơ sở sản xuất có quy mô vốn và lao động nhỏ; không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh; không ký hợp đồng lao động; không có hệ thống sổ sách ghi chép kế toán; không tách biệt tài sản và lao động của cơ sở cho sản xuất và sinh hoạt hoặc không có tư cách pháp nhân. Hoạt động kinh tế phi chính thức ở Việt Nam thường biểu hiện dưới hình thức kinh tế hộ gia đình.
Hoạt động kinh tế phi chính thức là hoạt động kinh tế không giấu giếm nhưng thường là những hoạt động nhỏ lẻ, đa dạng, liên tục xuất hiện nhiều hoạt động mới như các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, cửa hiệu giặt là, bán hàng rong, xe ôm, bán hàng online… và thường tập trung ở các thành phố lớn.
Hoạt động kinh tế phi chính thức gồm 2 loại: Đã được quan sát và chưa được quan sát. Hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát là bộ phận kinh tế phi chính thức, nhưng chưa được thu thập thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh.
Các cuộc Tổng điều tra Kinh tế thực hiện 5 năm/lần tiến hành thu thập thông tin tổng thể về khu vực phi chính thức.
Hàng năm, Tổng cục Thống kê đã quan tâm, tiến hành điều tra chọn mẫu trong cuộc điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể vào 1/10 hàng năm để thu thập thông tin về khu vực kinh tế phi chính thức và đã tính vào chỉ tiêu GDP.
Tuy nhiên chưa tiến hành phân loại và công bố riêng kết quả sản xuất của hoạt động này.
Như vậy, ở Việt Nam, hầu hết các hoạt động kinh tế phi chính thức đã được quan sát, thu thập thông tin và tính toán từ các cuộc điều tra của ngành thống kê. Sau khi thực hiện Đề án, Tổng cục Thống kê sẽ phân loại và công bố riêng kết quả đóng góp của hoạt động này trong nền kinh tế.