Vừa qua có ý kiến của Đại biểu Quốc hội về việc “Tăng trưởng các quý cuối năm rất cao, nhưng sang quý I đầu năm sau liền kề lại giảm xuống rất nhanh và đột ngột…”? Ông có thể làm rõ hơn về ý kiến này?
Câu hỏi: (PV Thúy Hiền-TTXVN) Thưa ông, vừa qua có ý kiến của Đại biểu Quốc hội về việc “Tăng trưởng các quý cuối năm rất cao, nhưng sang quý I đầu năm sau liền kề lại giảm xuống rất nhanh và đột ngột…”? Ông có thể làm rõ hơn về ý kiến này?
Trả lời:
(Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, TCTK)
Tăng trưởng GDP của nước ta trong quý I thường thấp, sau đó tăng lên trong những quý tiếp theo là do hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố mùa vụ (nghỉ Tết, đầu tư, xây dựng nhà ở, sản xuất nông nghiệp theo mùa, các lễ hội, mùa du lịch và cả về thủ tục hành chính…).
Bên cạnh đó, vốn đầu tư thực hiện thường đạt thấp trong những tháng đầu năm. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn trước đây và hiện nay phần lớn phụ thuộc vào vốn đầu tư (yếu tố vốn đầu tư luôn đóng góp gần 50% vào tăng trưởng GDP), phần còn lại là đóng góp của yếu tố lao động và các nhân tố tổng hợp (TFP).
Những năm qua, vốn đầu tư thực hiện (trong đó có đầu tư công chiếm từ 23 – 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) có xu hướng tăng dần qua các quý; trong đó quý I thường đạt thấp do những tháng đầu năm có kỳ nghỉ Tết cổ truyền kéo dài, tâm lý người Việt Nam trong những ngày trước và sau Tết không tập trung nhiều cho đầu tư sản xuất kinh doanh; đồng thời theo thói quen của người dân thì việc đầu tư xây dựng nhà ở của dân cư thường thực hiện vào những tháng cuối năm.
Đặc biệt, đối với nguồn vốn đầu tư công (bao gồm ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư phát triển), trong những tháng đầu năm bên cạnh thủ tục, quy trình phân bổ nguồn vốn này thường chậm, các chủ dự án, công trình cũng tập trung hoàn tất các thủ tục để thực hiện và giải ngân vốn đầu tư trong năm.
Do đó, vốn đầu tư thực hiện thường đạt thấp trong những tháng đầu năm, các tháng cuối năm có xu hướng tăng để giải ngân nhanh nguồn vốn này.
Cụ thể, năm 2017, tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư công so kế hoạch còn đạt thấp hơn (quý I đạt 13,8%; 6 tháng đạt 34,8%; 9 tháng đạt 59,2%) do nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được phê duyệt và giải ngân rất chậm.
Do đó, việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư trong quý I và những tháng đầu năm đạt thấp và có xu hướng tăng lên trong các quý tiếp theo là một trong những nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP thường chậm trong các tháng đầu năm và tăng cao hơn trong những tháng cuối năm.
Ngoài ra, chi ngân sách Nhà nước quý I cũng đạt thấp so với dự toán. Điều này cũng làm cho tăng trưởng GDP của quý I thường thấp hơn các quý cuối năm.
Tiếp đến dư nợ tín dụng có xu hướng tăng dần qua các quý. Những năm vừa qua, dư nợ tín dụng (so với tháng 12 năm trước) có xu hướng tăng dần qua các quý đã phản ánh thực trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng có xu hướng tăng qua các quý.
Đơn cử như năm 2016, tốc độ tăng dư nợ tín dụng quý I tăng 3,04%, quý II tăng 8,21%, quý III tăng 11,64% và quý IV tăng 18,25%. Tương tự, năm 2017 lần lượt là 4,37%, 9,01%, 11,02% và quý IV dự kiến là 21%.