Việt Nam cần phải điều chỉnh những chiến lược, chính sách gì và có đề xuất giải pháp nào để nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thập kỷ tới?

Câu hỏi: (PV Thúy Hiền (Thực hiện) BNEWS/TTXVN) Thưa ông, trước những cảnh báo về một số dự án FDI vào Việt Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, gây ô nhiễm môi trường… Theo ông, Việt Nam cần phải điều chỉnh những chiến lược, chính sách gì và ông có đề xuất giải pháp nào để nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thập kỷ tới? (Nguồn: https://bnews.vn/sang-loc-cac-khoan-dau-tu-nuoc-ngoai-hieu-qua-de-tang-truong-kinh-te/177312.html)

Trả lời:

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài chỉ là bước đầu tiên hướng tới một chiến lược FDI thành công.

Trong thập kỷ tới, thu hút FDI phải đặt trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, đặc biệt phải quy định rõ những ngành nào, lĩnh vực nào cần ưu tiên thu hút FDI trên nguyên tắc những ngành và lĩnh vực doanh nghiệp trong nước có khả năng làm được thì không kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Nhìn nhận khủng hoảng do đại dịch gây ra là cơ hội để Chính phủ kiểm tra lại phương pháp thu hút và duy trì hiệu quả các dự án FDI phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá đất nước; đồng thời, tạo liên kết kinh tế giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước. Để đạt được mục tiêu này, theo tôi, có ba lĩnh vực trọng tâm đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần có phương pháp tiếp cận mới:

Đó là Chính phủ khẩn trương đưa ra các giải pháp và phương thức hỗ trợ khu vực doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn về tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu dùng cho sản xuất và hỗ trợ phí vận chuyển, lưu kho lưu bãi.

Chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần nhắm tới mục tiêu phát triển mối liên kết chặt chẽ giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực doanh nghiệp FDI, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước.

Chính phủ nên sửa đổi quy định đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất để cộng đồng doanh nghiệp trong các khu này liên kết kinh tế, đặc biệt tạo dựng mối liên kết giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước nhằm tạo dựng và phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước.

Trong một thế giới đầy biến động do đại dịch gây ra, Chính phủ cần có giải pháp tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký với đối tác và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Mua bán và sáp nhập đang trở thành xu thế trong đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng về kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế, để tránh các ngành và lĩnh vực kinh tế trọng điểm bị các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát và thâu tóm hoặc núp bóng các nước khác, Chính phủ cần xác định ngưỡng cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp cổ phần hoá…

Chính phủ cần xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần thu hút đầu tư nước ngoài và ngành lĩnh vực chỉ các nhà đầu tư trong nước thực hiện.

Cùng với đó là rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định và có chế tài để quản lý hiệu quả hoạt động của đầu tư nước ngoài trên địa bàn; xử lý nghiêm các dự án đã cấp phép nhưng không triển khai và các vấn đề khác có liên quan như: trốn và nợ thuế, sử dụng lao động Việt Nam và lao động nước ngoài, sử dụng đất, ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, khẩn trương hoàn thiện và thực hiện nghiêm, hiệu quả thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư nước ngoài phù hợp với quan hệ kinh tế mới, mô hình và phương thức kinh doanh mới, bảo vệ thị trường trong nước; đồng thời, tạo điều kiện cho khu vực trong nước phát triển phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế.