Dự báo kinh tế thế giới có sự phục hồi mạnh mẽ, khiến nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng cao đột biến
Câu hỏi: (PV Thúy Hiền (Thực hiện) BNEWS/TTXVN) Năm 2021 và năm 2022, dự báo kinh tế thế giới có sự phục hồi mạnh mẽ, khiến nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng cao đột biến. Trong khi, chuỗi lưu thông chưa trở lại hoạt động bình thường, nguồn cung chưa đáp ứng kịp thời tổng cầu dẫn đến giá các mặt hàng gia tăng. Ông nhận định vấn đề này đối với nền kinh tế Việt Nam như thế nào? (Nguồn: https://bnews.vn/dut-gay-chuoi-san-xuat-va-cung-ung-se-gay-nen-suc-ep-lam-phat-cao-trong-nam-2022/209574.html)
Trả lời:
Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính đến tháng 6/2021 là tháng thứ 9 liên tiếp chỉ số giá hàng hoá thế giới tăng so với tháng trước. Hàng hoá thế giới 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng 47,82% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, nhóm thực phẩm và đồ uống tăng 26,26%; nhóm nguyên vật liệu đầu vào của ngành công nghiệp tăng 56,44%; nhóm nhiên liệu tăng 81,72%; chi phí logistics và vận chuyển quốc tế đều tăng cao, đặc biệt vận tải biển tăng đến 500% so với trước đại dịch.
IMF dự báo năm 2021 lạm phát của Mỹ đạt mức 2,3%, cao hơn mức 1,2% của năm 2020 và thấp hơn mức 2,4% của năm 2022. Lạm phát của Trung Quốc ở mức 1,2% và tăng lên mức 1,9% năm 2022.
Kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới; sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giá cả trong nước chịu tác động rất mạnh từ tổng cầu của kinh tế thế giới và tổng cầu trong nước cũng như từ biến động giá nguyên, nhiên vật liệu và tỷ giá hối đoái.
Sản xuất của nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm tới 37%. Tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo là ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế chiếm 50,98%.
Điều này cho thấy, nền kinh tế nước ta nói chung và đặc biệt ngành công nghiệp chế biến chế tạo phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Việc này đồng nghĩa biến động giá nguyên vật liệu thế giới có tác động rất mạnh tới giá thành sản phẩm sản xuất trong nước, lạm phát.
Trong 7 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, chỉ số giá nhập khẩu các nhóm nguyên, nhiên vật liệu của nền kinh tế Việt Nam đều tăng cao. Cụ thể, chỉ số giá nhập khẩu nhóm thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng 22,14%; nhóm rau quả tăng 2,56%; nhóm chất dẻo tăng 12,9%; nhóm xơ sợi dệt các loại tăng 10,78% …
Do cơ chế thị trường với mối liên hệ và mối tương quan giữa nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu với nguyên, nhiên vật liệu trong nước, khi giá nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu tăng sẽ kéo theo giá các loại chi phí đầu vào sản xuất trong nước cũng tăng. Với kinh tế nước ta, khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06% và dẫn đến gia tăng lạm phát.
Dự báo kinh tế Mỹ năm 2021 tăng 7%, khi đã đạt được mục tiêu lạm phát và dần tiến tới mục tiêu việc làm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ, dự kiến năm 2023 sẽ tăng lãi suất dẫn đến đồng USD tăng giá.
Tỷ giá hối đoái giữa VND với đồng USD và các ngoại tệ tăng sẽ tác động tiêu cực tới sản xuất, xuất khẩu do sản xuất trong nước phụ thuộc đến 37% vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Khi đồng USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu, giảm lợi nhuận từ hàng hoá xuất khẩu của nền kinh tế, giá cả trong nước tăng gây áp lực không nhỏ tới lạm phát.